Phạt nghiêm vi phạm tốc độ sẽ 'trắng' doanh nghiệp

Phạt nghiêm vi phạm tốc độ sẽ 'trắng' doanh nghiệp
TP - “Nếu được phạt nguội các phương tiện vi phạm qua hộp đen, chắc chắn sẽ không còn doanh nghiệp vận tải, bởi lỗi vi phạm tốc độ quá phổ biến”, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ trao đổi tại Hội nghị Thanh tra vận tải, xử lý phương tiện vi phạm tổ chức Đà Nẵng, ngày 19/8.

> Bế tắc tích hợp thông tin hộp đen
> Chưa thông phạt nguội từ hộp đen

Ông Sỹ nói: Kết quả các đoàn kiểm tra hệ thống thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của Bộ vừa qua cho thấy có quá nhiều đơn vị có phương tiện chạy vượt tốc độ. Trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT, số phương tiện vượt quá tốc độ 80km/h chiếm đến 80-90%.

Đáng kể, có phương tiện có gần 1.000 lần vi phạm tốc độ chỉ trong vòng 1 tháng, với vận tốc phổ biến 120-130km/h... Các địa phương kiến nghị: cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai phạt nguội từ hộp đen nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm.

Theo ông Sỹ, Chính phủ quy định các thiết bị cơ sở phạt nguội. Chúng ta có nhiều thiết bị được công nhận làm cơ sở phạt nguội nhưng thiết bị GSHT là một vấn đề mới. Trước đây, việc lắp đặt thiết bị này chỉ nhằm mục đích ban đầu là quản lý vận tải. Hiện, vai trò GSHT rất lớn với công tác ATGT nên cần thiết phải có quy định phù hợp làm cơ sở cho phạt nguội từ “hộp đen”.

“Theo quy định, doanh nghiệp có trên 20% lượt phương tiện vi phạm tốc độ 1 tháng sẽ phải tước giấy phép. Việc phạt nguội này nếu được triển khai, phần lớn các đơn vị vận tải đều vi phạm, buộc tước giấy phép, chắc chắn cả nước sẽ “trắng” (không còn-PV) đơn vị ở lĩnh vực này”, ông Sỹ lo ngại.

ATGT CHỈ LÀ... HÌNH THỨC

Chánh thanh tra Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay: Bức tranh kinh doanh vận tải có quá nhiều sai phạm. Trong đó, có đến 11/49 đơn vị được kiểm tra không quản lý, sử dụng điều hành phương tiện để kinh doanh vận tải đúng quy định. Hơn 16% đơn vị thanh tra không ký hợp đồng lao động. Số còn lại, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên chỉ là hình thức để đủ thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh.

Tương tự, số đơn vị không thành lập bộ phận theo dõi về ATGT chỉ chiếm gần 1% số đơn vị được kiểm tra. Nhưng có gần 84% các đơn vị lập bộ phận theo dõi ATGT này chỉ nhằm mục đích đối phó, không hoạt động hoặc không duy trì thường xuyên.

Kết quả các đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng Bộ GTVT vừa qua cũng cho kết quả lo ngại: số doanh nghiệp vi phạm chiếm 50-60%, phần lớn doanh nghiệp không có bộ phận theo dõi các điều kiện về ATGT. Đáng kể, công tác quản lý, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ vẫn bỏ trống ở nhiều địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu (chỉ đạt hơn 6%), TP Hồ Chí Minh (hơn 12%)...

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng, tài xế “bỏ quên” quy định khám sức khỏe định kỳ. Trong khi đó, ngành y tế chưa vào cuộc kiểm tra. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) lo ngại: Các đợt ra quân kiểm tra, cân tải trọng vừa qua tại Hà Tĩnh hầu như vỡ trận vì sự thiếu hợp tác của ngành chức năng địa phương. Đoàn kiểm tra yêu cầu lực lượng công an trợ giúp. Nhưng lãnh đạo công an tỉnh này viện lý do và từ chối trợ giúp khiến kết quả không như mong muốn.

Ông Thạch Như Sỹ nêu thực tế: Các cuộc thanh tra ở địa phương phát hiện vi phạm rất ít, hoặc có vi phạm nhưng không thể kiểm tra. Chỉ khi các đoàn từ Bộ vào mới phát hiện vi phạm. Cụ thể vừa qua, các đoàn phát hiện, xử lý, đình chỉ sử dụng giấy phép 23 đơn vị, thu hồi giấy phép kinh doanh, phù hiệu hơn 210 đơn vị... “Điều này có thể do chuyên môn nghiệp vụ của thanh tra viên hoặc có thể còn do sự nể nang, chưa quyết liệt”, ông Sỹ nhắc nhở.

CẦN TĂNG MỨC PHẠT

Các đại biểu kiến nghị: mức phạt đối với các lỗi điều kiện kinh doanh vận tải hiện còn thấp (cao nhất 6 triệu đồng/lỗi) chưa đủ sức răn đe, nhiều đơn vị không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh sau khi cấp phép. Ông Huyện cho hay: Bộ giao Vụ ATGT nghiên cứu bổ sung hành vi vi phạm, tăng mức phạt đối với một số vi phạm về hoạt động vận tải khách, bến xe trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính, như: xe không kinh doanh vận tải theo đúng phương án đã xây dựng; có bộ phận quản lý điều kiện về ATGT nhưng không hoạt động; không theo dõi quản lý các thông tin từ thiết bị GSHT....

Theo ông Sỹ: Tổng cục Đường bộ đang xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị GSHT và xây dựng bản đồ gốc để các doanh nghiệp vận tải ứng dụng, quy định các loại đường được chạy với tốc độ nào, vị trí nào và đang thử nghiệm một số địa phương.

Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ cho biết: Kiểm tra 30 doanh nghiệp thông qua trích xuất hộp đen, Bộ phải ra quyết định thu hồi kinh doanh 8 đơn vị, yêu cầu hàng loạt doanh nghiệp khác khắc phục khuyết tật hộp đen; và chuẩn bị kiểm tra 22 đơn vị còn lại. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trường hợp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không đúng quy chuẩn cần có cơ chế phạt nhà cung cấp, thay vì chỉ phạt lái xe hiện nay.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG