> Hoang mang khi đưa con tiêm ngừa văcxin viêm gan B
> Vụ 3 trẻ tử vong: Tủ lạnh mất điện làm ảnh hưởng tới vắc xin?
Tư vấn tiêm vắc xin tại Hà Nội. ảnh: Thái hà. |
Rà soát quy trình bảo quản
Ngày 23/7, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam- Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi có thông tin về vụ ba trẻ sơ sinh tử vong, Sở Y tế TPHCM có công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện ngừng sử dụng 2 lô vắc xin viêm gan B liều đơn V-G 020812 E và 030812 E (2 lô vắc xin liên quan 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị), niêm phong và rà soát hồ sơ báo cáo về Sở Y tế TPHCM.
Theo Sở Y tế TPHCM, ngày 4/1, TPHCM đã nhận 40 nghìn liều thuộc lô vắc xin 020812 E. Sau đó, số vắc xin này được phân phối cho khoa sản các bệnh viện quận huyện trên địa bàn và Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Gia Định… Đến nay, lượng vắc xin này đã được các bệnh viện sử dụng gần hết.
Trong khi đó, 25.000 liều thuộc lô vắc xin 030812 E được TPHCM nhận từ ngày 7/6, cung cấp cho 24 quận/huyện, các bệnh viện chuyên khoa sản và có khoa sản còn tồn 5.436 liều ở các cơ sở y tế.
Theo bác sĩ Nam, đến thời điểm này, TPHCM chưa ghi nhận phản ứng sau có liên quan 2 lô vắc xin viêm gan B lô 0202812 E và 030812 E này. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã liên hệ với các cơ sở y tế để thông báo tạm dừng chích 2 lô vắc xin trên, đồng thời liên hệ với Viện Pasteur TPHCM xin cấp 25.000 liều vắc xin thuộc lô số 010812 E để thay thế.
“Hiện TPHCM đã nhận được số vắc xin này và đã phân phối về các bệnh viện và quận huyện. Sở Y tế TPHCM cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế rà soát chặt chẽ và tuân thủ các quy trình bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng, ghi chép hồ sơ, sổ sách nhập, xuất vắc xin”- bác sĩ Nam nói.
Trước thông tin 25.000 liều vắc xin mà viện Pasteur TPHCM vừa cung cấp cho TPHCM lại trùng với lô vắc xin gây tai biến ở trẻ sơ sinh ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận ngày 23/7, bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, trưởng nhóm tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam khẳng định: Thông tin này là không chính xác. Số lô vắc xin mà TPHCM vừa nhận được là V-GB 010213E, còn số lô ở Bình Thuận là V-GB 010812E, đều do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm Y tế số 1 sản xuất. Theo BS Thắng, mỗi năm TPHCM có nhu cầu tiêm chủng mũi 1 vắc xin viêm gan B lên tới 100.000 liều nhưng chưa có tai biến xảy ra.
Vắc xin dịch vụ đắt hàng
Mặc dù Sở Y tế TPHCM đã nhanh chóng xin 25 nghìn liều vắc xin viêm gan B mới cung cấp cho các cơ sở y tế song ghi nhận của phóng viên hôm qua cho thấy, nhu cầu tiêm vắc xin viêm gan B dạng dịch vụ đang nóng lên.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, ngoài loại vắc xin dịch vụ có tên Euvax B, có loại vắc xin dịch vụ khác là Engerix B với giá dao động từ 50.000 đồng/liều đến 80.000 đồng/liều đều được các bà mẹ lựa chọn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, phụ trách khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trong hai ngày qua, do đang ngưng tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên các phụ huynh cần tiêm ngừa viêm gan B đã chuyển qua tiêm dịch vụ.
Chị Hạnh, mới sinh con được hai ngày tại bệnh viện này cho biết, khi nghe tin vắc xin gây tai biến cho trẻ ở Quảng Trị đã chuyển qua tiêm vắc xin dịch vụ cho con.
Theo bác sĩ Anh, nếu tiêm dịch vụ, cha mẹ trẻ phải trả 52.000 đồng/liều vắc xin Euvax B, cộng với kháng thể đặc hiệu cho viêm gan siêu vi B có tên Hepabig, giá 338.000 đồng/liều. “Số tiền này không được bảo hiểm y tế thanh toán”- bác sĩ Anh nói. Tại Bệnh viện Phụ sản Mekong TPHCM, ở Tân Bình sáng qua, cũng có hàng trăm sản phụ cho con chích vắc xin dịch vụ.
Thêm một trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B Lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận hôm 23/7 xác nhận, vừa nhận được báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về một trường hợp trẻ sơ sinh ở Bệnh viện huyện Tuy Phong tử vong sau tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Y tế tỉnh khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để phân tích xác định nguyên nhân tử vong đồng thời báo cáo nhanh cho Bộ Y tế về trường hợp này. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu sở y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tạm ngưng sử dụng lô vắc xin trên. |