> Khói bụi bức tử môi trường, 'tra tấn' dân
> Nhà máy xi măng “tra tấn” dân
Nhà máy hóa chất ở xã Phạm Mệnh bên kia sông vẫn nhả khói dù huyện đã ra văn bản đình chỉ. |
Không phép
Đã hơn một tháng trôi qua, kể từ 13/6 đến nay, con đường dẫn vào nhà máy sản xuất proniken của Công ty TNHH thương mại Trường Khánh vẫn bị người dân thôn Châu Xá phong tỏa. Mặt đường vẫn đầy đá hộc. Chắn ngang đường là một thanh barie cùng căn lều bạt, quanh đó có vài ba bóng điện được ròng từ xóm ra. Trong lều, hàng chục người, chủ yếu là các cụ bà đang nằm ngồi, vẻ uể oải. Cách đó chừng 300 m, nhà máy sản xuất proniken đóng cửa, trên khoảng sân của nhà máy nguyên liệu chất đống, nhà xưởng tháo dỡ dở dang trơ bộ khung sắt.
Anh Nguyễn Văn Hanh cho biết, từ khi lập chốt, người dân thôn Châu Xá đã nhiều lần bị một nhóm thanh niên lạ mặt đến gây hấn. Rạng sáng 25/6, một số người ập tới, đập vỡ bóng điện, quăng bom xăng đốt cháy lều lán của người dân, đập phá xe máy của họ. Đêm hôm sau lại có một đoàn xe ô tô, máy xúc cùng rất nhiều thanh niên lạ mặt kéo tới khu lều lán của người dân. Dân trong thôn kéo ra, hai bên đã xảy ra xô xát, hậu quả anh Phạm Văn Quý ở thôn Châu Xá bị thương nặng phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, người dân vẫn bám trụ chờ chính quyền giải quyết.
Dân thôn Châu Xá lập chốt phong tỏa nhà máy hóa chất gây ô nhiễm. |
Từ khi tái diễn tình trạng dân phong tỏa nhà máy sản xuất hóa chất, xã Duy Tân đã trở thành “điểm nóng” của Hải Dương. Các cơ quan chức năng vào cuộc và mau chóng phát hiện thêm những cơ sở tương tự. Tại mặt bằng Công ty cổ phần xây dựng 1369 ở xã Phạm Mệnh cách Duy Tân một con sông cũng có một cơ sở sản xuất proniken đã hoạt động 2 năm nay. Tiếp đó, cơ quan chức năng phát hiện tại xã Hiệp An gần đó cũng có một nhà máy sản xuất hóa chất vonfram của doanh nghiệp Thái Sơn hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp - Tài nguyên - Môi trường thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, cho biết cả ba nhà máy hóa chất này đều không có bất kỳ giấy tờ nào do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chính quyền buông lỏng
“Tại cơ sở Thái Sơn ở xã Hiệp An, khi chúng tôi kiểm tra, chủ cơ sở nói họ sản xuất muối Mo Lip Đen, không gây ô nhiễm môi trường”- ông Đông nói. Nhưng thực tế cơ quan chức năng xác định cơ sở này sản xuất vonfram và đã yêu cầu dừng hoạt động.
Ông Đông nhận định việc để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy trái phép, gây ô nhiễm như vậy đã thể hiện sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. “Chính quyền địa phương trực tiếp quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm vượt quá thẩm quyền phải báo cáo lên huyện xử lý, nhưng bấy lâu nay không phát hiện được gì”- ông Đông nói.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN-MT Hải Dương) tại khu vực nhà máy sản xuất hóa chất proniken của Công ty Trường Khánh, có tới 3 chỉ số gồm Cr VI, COD và pH vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó, chỉ số kim loại nặng (Cr VI) gây nguy hiểm cho sức khỏe con người cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép. |
Bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn, cho biết do hình thành nên khu công nghiệp từ rất sớm, trong đó chủ yếu sản xuất xi măng nên môi trường xã Duy Tân nói riêng và huyện Kinh Môn nói chung đã trở thành vấn đề đáng báo động từ lâu.
Theo bà Bên, hiện nay, huyện đang tập trung giải quyết vấn đề dân phong tỏa nhà máy hóa chất ở Duy Tân, bước đầu xác định xã cho doanh nghiệp thuê đất trái thẩm quyền. Huyện cũng thành lập Đoàn công tác do phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn để làm rõ sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan.
Khi được hỏi tại sao nhà máy hóa chất tại Công ty cổ phần xây dựng 1369 (xã Phạm Mệnh) vẫn hoạt động, phớt lờ chỉ đạo của chính quyền, bà Bên tỏ ra khá ngạc nhiên. “Huyện đã đình chỉ, công an cũng đã kiểm tra lập biên bản hành chính với 3 người Trung Quốc làm việc trái phép tại cơ sở này”- bà Bên nói rồi rút điện thoại gọi cho trưởng công an huyện yêu cầu kiểm tra.