Chuyện hy hữu: Kỷ luật công chức đóng dấu 'mật'!?
Với cách hành xử “chẳng giống ai” của bà Trưởng Ban Dân tộc Nguyễn Thị Ánh (vừa nghỉ chế độ từ ngày 1/7/2013) phần nào lý giải cho sự bất bình của không ít cán bộ tại đơn vị này. Tuy nhiên, những sai phạm và sự “lạm quyền” của bà Ánh chỉ bị khiển trách.
Giấy đi đường được cấp để hợp thức hoá việc việc rút tiền ngân sách. |
Những quyết định “lạm quyền”
Trước hết, xin nói về quyết định số 119 ngày 28/3/2013 do bà Nguyễn Thị Ánh khi còn đương chức Trưởng Ban Dân tộc ký kỷ luật cách chức đối với Chánh văn phòng Ban Dân tộc Lê Trung Biểu. Nội dung quyết định thể hiện ông Biểu bị cách chức vì đã có những vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng về nghĩa vụ của công chức; về đạo đức văn hoá giao tiếp của cán bộ công chức.
Ở đây xin không bàn về nội dung sai – đúng, mà chỉ đề cập đến sự bất thường về hình thức quyết định bởi nó được đóng dấu “mật”.
Đối chiếu với quy định, việc làm của bà Ánh đã vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, là hành vi lợi dụng quyền hạn, chức vụ khi đóng dấu “mật” vào một quyết định hành chính cá biệt gây cản trở đối với người khiếu nại, tố cáo khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo...theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cũng bà Nguyễn Thị Ánh đã có quyết định số 18 ngày 9/1/2013 tạm đình chỉ đối với ông Nguyễn Trung Biểu với thời gian 15 ngày. Tuy nhiên quyết định này cũng xếp vào dạng lạm quyền bởi chỉ có cơ quan quản lý công chức tức UBND TP Hà Nội mới có quyền ra quyết định tạm đình chỉ đối với ông Biểu.
Việc bà Ánh, đứng đầu cơ quan chuyên môn - đơn vị sử dụng công chức ra quyết định tạm đình chỉ đối với ông Biểu lá trái với các quy định của Luật Cán bộ công chức.
Trong công tác điều động, tuyển dụng cán bộ bà Ánh cũng bất chấp dư luận và quy định của pháp luật khi ban hành một số quyết định lạ. Ví như, ngày 24/5/2012 Trưởng Ban Dân tộc ký quyết định số 153 kỷ luật đối với kế toán Ban là bà Đặng Thị Mai Phương với hình thức khiển trách.
Trước đó UBKT thành uỷ đã có kết luận về sai phạm của bà Phương như: Chưa hoàn thành trách nhiệm được giao về phụ trách công tác tài chính, kế toán; không thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính ngân sách, chế độ kế toán nhà nước, chế độ kiểm tra nội bộ; không ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị với lãnh đạo Ban xử lý đối với những trường hợp vi phạm Luật kế toán, Luật ngân sách nhà nuớc”.
Tuy nhiên, ngày 28/12/2012 bà Ánh đã lại ký quyết định số 515 điều chuyển bà Phương về công tác tại thanh tra Ban Dân tộc. Điều đáng nói là Thanh tra Ban dân tộc chỉ có duy nhất bà Phương. Vì trước đó, một cán bộ của ban này là ông Nguyễn Đình Thặng đã bị đột ngột chuyển đi.
Dư luận tại Ban rất lo ngại và bức xúc về việc một người vừa bị kỷ luật vì có những sai phạm liên quan đến quản lý tài chính lại được điều về làm nhiệm vụ thanh tra công tác này.
Quà già làng, trưởng bản- có bị ăn bớt?
UBKT Thành uỷ vào năm 2011 đã chỉ ra hàng loại sai phạm trong quản lý kinh tế tại ban Dân tộc thành phố trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về bà Nguyễn Thị Ánh.
Cụ thể, Ban Dân tộc đã hợp thức chứng từ để thanh toán 95,4 triệu đồng tiền ngân sách cấp chi thăm hỏi già làng, trưởng bản, người có uy tín nhân dịp Tết cổ truyền.
Ban đã thanh toán chi phí trong năm 2009 số tiền trên 73 triệu đồng, năm 2010 là trên 85 triệu đồng. Mức chi là 500 ngàn đồng/người ( gồm tiền mặt và quà).
Tuy nhiên, khi thực hiện Ban không ban hành chủ trương, và phân bổ số lượng, đối tượng được thăm hỏi đến các xã đề xuất danh sách. Đối tượng tặng quà không ký nhận. Một số đối tượng được tặng quà không rõ địa chỉ.
Phần chi thăm hỏi bằng tiền mặt, văn phòng Ban đã hợp thức chứng từ bằng hoá đơn mua hàng và phải chi trả cho người bán với số tiền trên 9,5 triệu đồng.
Khi trao đổi về danh sách người được nhận quà và các văn bản kèm theo, chúng tôi được bà Ánh trả lời, cái này UBKT Thành uỷ đã kết luận. Còn tài liệu đơn vị đã cất kỹ trong kho. Với cách thức tặng quà như vậy dư luận đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu già làng, trưởng bản thực sự nhận được quà của Ban Dân tộc thành phố?
Không chỉ vậy, Ban còn lập chứng từ khống bằng việc gửi hàng loạt giấy đi đường đến một số Ban dân tộc các tỉnh. Sau đó giấy đi đường được đóng dấu và chuyển về Ban Dân tộc Hà Nội, chỉ với việc lập chứng từ khống Ban đã rút được trên 80 triệu đồng tiền ngân sách. Tính trong 3 năm 2008-2010 Ban đã hợp thức chứng từ thanh toán lên đến 495 triệu đồng.
Trong quyết định kỷ luật của UBND thành phố Hà Nội đối với bà Ánh nêu rõ: Bà Ánh đã tuỳ tiện trong quản lý sử dụng ngân sách được cấp, gấy thất thoát ngân sách nhà nước: Hợp thức hoá chứng từ để thanh toán tiền ngân sách nhà nước; lập “Quỹ ngoài ngân sách”- ( thực chất là lấy tiền ngân sách lập quỹ) và sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật.
Chỉ với khoản lập Quỹ Ban 358 triệu đồng và sử dụng sai mục đích đã làm thất thoát ngân sách trên 58 triệu đồng. Dù mắc nhiều lỗi nghiêm trọng, nhưng bà Ánh lại chỉ bị “khiển trách”(?).
Trước những bức xúc về việc làm sai trái cũng như sự “nương tay” của lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thặng, một đảng viên của Ban Dân tộc đã gửi đơn tố cáo bà Ánh với 9 nội dung đến Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên đến nay sau 9 tháng gửi đơn và sau 7 tháng được Ban tiếp công dân thành phố tiếp, ông Thặng chưa nhận được sự hồi âm nào. |
Nhóm PVTS