Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: Khó vì chưa có tiền lệ

Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: Khó vì chưa có tiền lệ
TP - Ngày 8/7, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc chuyển đổi Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ- thương mại.

> Nguy cơ 20 triệu dân dùng nước ô nhiễm
> Phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Di dời để cứu sông Đồng Nai

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 đã được đặt ra từ năm 2007, mục tiêu chính của việc chuyển đổi công năng là góp phần giải quyết triệt để việc ô nhiễm môi trường nước và không khí tại khu vực, bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai.

Phần lớn các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 được xây dựng từ trước năm 1975 nên khó đảm bảo thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Một lượng lớn (trên 7.000 m3/ngày đêm) nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được xả thẳng ra sông Đồng Nai.

 Qua khảo sát, các bộ, ngành đều tán thành với chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn vì chưa có tiền lệ nên Ủy ban sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.  

Ông Phan Xuân Dũng

Khảo sát mới nhất của Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, hiện nay ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động đỏ. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm thì phải cắt nguồn gây ô nhiễm, buộc phải di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa. Sau khi di dời, 320 ha đất KCN Biên Hòa 1 sẽ được tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng khu đô thị - dịch vụ - thương mại.

Chủ trương di dời chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, đây là một chủ trương lớn và chưa có tiền lệ, chi phí hỗ trợ cho 107 doanh nghiệp tại đây là rất lớn. Dự kiến tổng số tiền sử dụng đất phải nộp trên 3,1 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp đắn đo

Tổng Công ty phát triển KCN Đồng Nai (Sonadezi)- đơn vị được giao lập đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 đã thực hiện khảo sát đối với các doanh nghiệp phải di dời. Hầu hết doanh nghiệp đều đồng ý với chủ trương di dời, nhưng rất băn khoăn vì nếu thực hiện di dời sẽ khó tìm được vị trí thuận lợi do ngành nghề sản xuất đặc thù; phần lớn tài sản cố định đã được khấu hao xong, giá trị tài sản còn lại không đáng kể, vì vậy khoản bồi thường, hỗ trợ di dời không đủ để xây dựng hệ thống nhà máy, cơ sở hạ tầng mới.

Một số doanh nghiệp khác cũng lo ngại, trong thời gian di dời, nếu không có cách xử lý phù hợp, nhà máy có thể phải ngưng hoạt động một thời gian, dẫn đến nguy cơ mất khách hàng, thị phần thu hẹp…

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Cty CP đường Biên Hòa cho rằng, việc di dời KCN này cũng không cứu được sông Đồng Nai, vì chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải đô thị. Còn nếu chuyển đổi công năng thành khu đô thị thì càng bất hợp lý trong tình hình bất động sản tồn kho rất lớn hiện nay.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai cho rằng, không thể phủ nhận vai trò lịch sử của KCN Biên Hòa 1 là KCN đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm hoạt động, các nhà máy phần lớn đã lâu năm, công nghệ lạc hậu không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với sự phát triển của đô thị. Vì vậy, việc di dời là cần thiết. Nhà nước cũng có những chính sách phù hợp cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phải chịu thiệt hại.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội qua khảo sát, các bộ, ngành đều tán thành với chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn vì chưa có tiền lệ nên Ủy ban sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG