GĐ Sở GTVT Hải Phòng không sợ bị đề nghị cách chức

GĐ Sở GTVT Hải Phòng không sợ bị đề nghị cách chức
“Tôi có vấn đề gì mà phải sợ. Tôi đã nói vấn đề này 5 năm nay rồi, từ thời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng”, GĐ Sở bị Bộ trưởng Thăng đề nghị cách chức khẳng định.

GĐ Sở GTVT Hải Phòng không sợ bị đề nghị cách chức

> Bộ trưởng Thăng đề nghị cách chức Giám đốc Sở

> Ban hành mức phí tạm thời qua cầu 

“Tôi có vấn đề gì mà phải sợ. Tôi đã nói vấn đề này 5 năm nay rồi, từ thời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng”, GĐ Sở bị Bộ trưởng Thăng đề nghị cách chức khẳng định.

Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy
Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy.
 

Tại hội nghị trực tuyến về thực hiện chỉ thị 12 nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông ngày 6.7, sau khi nghe GĐ Sở GTVT TP.Hải Phòng trình bày, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: “Với cách GĐ Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy trình bày như vậy, có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức GĐ sở”.

Còn nhớ, ngày 4/10/2011, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình do tình trạng thi công ỳ ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này đến năm khác.

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng nói: "Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi". Việc “trảm tướng” ngay tại công trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đàm Xuân Luỹ - GĐ Sở GTVT TP.Hải Phòng - về nội dung này.

- Thưa ông, tại hội nghị trực tuyến về thực hiện Chỉ thị 12 nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông ngày 6.7, thông tin Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói là: “Với cách GĐ Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy trình bày như vậy, có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức GĐ sở” có đúng không?

- Bác Thăng nói như vậy cho vui thôi, chứ chắc không có ý gì.

- Tại hội nghị, ông có nói: “Hải Phòng hiện có 13.000 doanh nghiệp vận tải, nhưng 80% số doanh nghiệp chỉ có từ 1-3 xe, mới có 10% số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông”. Vậy, trong thời gian tới, Sở GTVT Hải Phòng có biện pháp gì để xử lý tình trạng 90% số doanh nghiệp còn lại chưa được cấp phép kinh doanh vận tải, thưa ông?

- Chẳng có cách nào, vì họ có cần mình đâu. Họ cứ đăng ký kinh doanh xong thì chạy xe, chứ mình có quyền gì. Mình cứ đi kiểm tra thôi. 10% số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải đó là vận tải hành khách, còn vận tải hàng hoá thì không.

Bây giờ chính sách phải yêu cầu các doanh nghiệp đó (các doanh nghiệp vận tải hàng hoá – PV) phải có giấy phép kinh doanh vận tải mới được chạy. Hiện tại, người ta chỉ cần đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư rồi mua 1 cái xe và chạy, chứ người ta có cần gì mình đâu, ai làm gì được họ. Chúng ta vẫn nói là kinh doanh có điều kiện, nhưng ai bắt được họ.

- Được biết là chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, ông về hưu. Giả sử, nếu ông chưa đến tuổi về hưu, ông có sợ không?

- Tôi có vấn đề gì mà phải sợ. Tôi đã nói vấn đề này 5 năm nay rồi, từ thời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Bác Dũng ngày ấy cố vấn cho Chính phủ ra được Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhưng các doanh nghiệp vận tải hàng hoá mà không đến mình thì mình cũng chẳng làm gì được họ cả.

- Như vậy, theo ý ông, chính sách của Nhà nước cần phải quy định doanh nghiệp nào có xe chạy trên đường nhằm kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hoá thì đều phải có giấy phép kinh doanh vận tải…

- Phải có giấy phép kinh doanh vận tải thì mới được hoạt động. Như vậy thì tự khắc sẽ đâu vào đó ngay. Mấu chốt chỉ là ở chỗ đó. Tình trạng buông lỏng đã bao lâu nay rồi.

- Tại hội nghị, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ giao Sở GTVT Hải Phòng trong 6 tháng cuối năm khi ông thừa nhận, tình trạng không cấp phép, xe vẫn hoạt động trên đường là do buông lỏng quản lý, Hải Phòng đang rà soát để chấn chỉnh trong thời gian tới. Liệu trong 6 tháng tới Hải Phòng có làm được việc này không, thưa ông?

- Làm thì làm được; nhưng có cái khó là vì các doanh nghiệp vận tải hàng hoá không có giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng người ta vẫn hoạt động được bởi họ chỉ cần giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thôi.

Chữa bệnh phải chữa tận gốc, chứ chữa bệnh mà chữa ở ngọn thì giải quyết vấn đề gì. Ví dụ như vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường bộ cho người xuống cân tải trọng tại một số tuyến đường. Bây giờ các bác ấy mệt quá, rút hết quân về. Đâu lại vào đó.

Biện pháp xử phạt bây giờ là quá lạc hậu. Mình làm công tác quản lý nhà nước thì phải dùng chính sách và chính sách phải chuẩn, chứ ai lấy đâu ra nhiều người để mà đem ra đường xử phạt những trường hợp vi phạm.

- Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Trí Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.