Hạn chế TNGT cần 'kháng sinh liều cao'

Hạn chế TNGT cần 'kháng sinh liều cao'
TP - CSGT được doanh nghiệp mời nhậu, nạp tiền điện thoại để bỏ qua lỗi vi phạm; Thanh tra đang làm việc thì lãnh đạo tỉnh, cán bộ trung ương gọi điện can thiệp. Đó là tình cảnh diễn ra lâu nay, vừa được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với các tỉnh, thành phố.

> CSGT nói tuyến chính không có xe nhồi nhét
> Đùa với thần chết, giỡn mặt công an

Hội nghị nhằm triển khai Chỉ thị số 12/CT- TTG ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải đường bộ.

CSGT nhận thẻ điện thoại, lãnh đạo can thiệp thanh tra

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, sáu tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người bị thương giảm nhưng số người chết lại tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 244 người = 5,23%). Người chết tăng chủ yếu từ số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô khách tuyến cố định và xe ô tô tải gây nên.

Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng nêu nhiều nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh việc buông lỏng quản lý, từ cấp phép hoạt động, quản lý hướng tuyến, bến xe và xử lý vi phạm trên đường. “Còn để xảy ra hiện tượng thông đồng, bao che, dung túng cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, bến xe, đầu mối hàng hoá cũng như các vi phạm về trật tự, an toàn khi tham gia giao thông, để tồn tại những “đoàn xe vua” gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào hiệu lực thi hành pháp luật của nhà nước” – ông Thăng nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kể, mới đây, lãnh đạo tỉnh nhận được nhiều tin nhắn của DN vận tải phản ánh họ thường xuyên bị xử phạt; trong khi, các DN khác cũng vi phạm nhưng được bỏ qua. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng chuyên án; bước đầu, một số chiến sỹ CSGT khai nhận có ngồi ăn nhậu và nhận card điện thoại của DN vận tải. Từ đó, 21 CSGT bị chuyển sang vị trí khác. Công an tỉnh này cũng ra quy định, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ chỉ được sử dụng bộ đàm, không được mang theo điện thoại di động.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cũng phản ánh tình trạng khi về địa phương thanh kiểm tra thường nhận được các cú điện thoại can thiệp của lãnh đạo tỉnh; thậm chí cán bộ Trung ương cũng điện thoại về. “Chúng tôi đề nghị lãnh đạo các cấp để thanh tra chúng tôi làm việc có ích thực sự cho dân” – ông Huyện nói.

“Không có vùng cấm trong vận tải”

Dù có lực lượng công an nhưng xe vẫn vẫn ngang nhiên bắt khách (chụp tại khu vực bến xe Mỹ Đình). ảnh: Sỹ Lực
Dù có lực lượng công an nhưng xe vẫn vẫn ngang nhiên bắt khách (chụp tại khu vực bến xe Mỹ Đình). ảnh: Sỹ Lực.
 

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ cho tình hình TNGT trước mắt và lâu dài, giải quyết từng điểm vụ việc cụ thể và tháo gỡ chính sách.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nguyên nhân được xác định nằm ở cả khâu quản lý vận tải và tuần tra xử lý. “Chúng ta đã bốc đúng thuốc, giờ chỉ còn là cách uống và liều lượng uống” – ông Hiệp nói. Theo ông Hiệp, một trong những giải pháp để trị căn bệnh TNGT hiện nay là phải dùng “kháng sinh liều cao”, trước hết là quản lý bằng được tốc độ của 48.600 phương tiện gồm xe khách, xe du lịch và xe container (phương tiện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình) vì đây là nguyên nhân của 80% TNGT nghiêm trọng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng bốc một liều thuốc khác để quản lý chặt chẽ người thực thi công vụ trong quản lý, tuần tra kiếm soát GTVT. Theo ông Thăng, dù cơ chế chính sách có thể chưa hoàn thiện nhưng với những gì hiện có, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt, công tâm sẽ hạn chế được tai nạn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - khi điều hành và kết luận hội nghị cũng nhiều lần đề cập hiện tượng buông lỏng, tiêu cực trong hoạt động GTVT như mãi lộ, bảo kê cho các đoàn xe “vua”, xe dù bến cóc, hiện tượng lấy tiền trong cabin tại trung tâm đăng kiểm... Phó Thủ tướng đề nghị Giám đốc Công an Hà Nội, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ Đường sắt phải đóng vai người dân bình thường để đi nắm tình hình xử lý vi phạm. “Anh Tuyên (Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ Đường sắt - PV) không nên mặc áo vàng để đi kiểm tra; nếu không có quần áo bình thường, tôi cho mượn” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định tại hội nghị rằng, không tồn tại một vùng cấm nào trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, xử lý trong hoạt động giao thông vận tải. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra công khai những cán bộ, lãnh đạo can thiệp vào hoạt động công vụ về giao thông vận tải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG