Khắc phục bất cập về quản lý hoạt động Bến xe Mỹ Ðình
> DN vận tải phản đối tập thể ở Mỹ Đình
Nhằm giảm tải cho Bến xe khách Mỹ Ðình, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai kế hoạch điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động của hơn 300 lượt xe khách liên tỉnh hoạt động tại Bến xe Mỹ Ðình về các bến xe khác.
Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ phía các doanh nghiệp vận tải.
Ðể khắc phục triệt để tình trạng quá tải tại các bến xe, ngoài các giải pháp tình thế nêu trên, thành phố cần những giải pháp đồng bộ, căn cơ về quy hoạch, xây dựng, quản lý, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, ổn định hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm trật tự giao thông, trật tự đô thị của Thủ đô.
Bến xe Mỹ Đình (TP Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải. |
Ðiểm "nóng" về quá tải và lộn xộn
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Bến xe Mỹ Ðình rộng 1,98 ha, hoạt động từ năm 2004, công suất thiết kế đáp ứng khoảng 300 lượt xe/ngày. Tuy nhiên, sau gần mười năm đưa vào khai thác, Bến xe Mỹ Ðình bị quá tải trầm trọng, bình quân mỗi ngày có từ 920 đến 950 lượt xe xuất bến; ngày cao điểm như dịp lễ, Tết, con số này là 1.233 lượt xe/ngày, gấp bốn lần công suất thiết kế.
Thời gian trước, bất cứ ai đi qua khu vực trước cửa Bến xe Mỹ Ðình trên đường Phạm Hùng đều thấy rất nhiều xe ô-tô khách dừng, đỗ hoặc chạy vòng vo đón khách. Rất nhiều hành khách không vào bến mua vé, mà đứng ngay ngoài cổng bến để bắt xe "dù".
Chung quanh Bến xe Mỹ Ðình còn có ba bến "cóc", trong đó một bến nằm ngay sau bến xe, các bến còn lại nằm trên các khu đất được cấp cho các dự án, nhưng chủ đầu tư "biến" thành bến xe khách bất hợp pháp, hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm. Chưa kể hàng chục xe khách đăng ký hoạt động tại các bến xe khác, nhưng cũng tranh thủ vòng qua đường vành đai 3, để đón thêm khách ở khu vực Mỹ Ðình.
Bên trong bến xe, diện tích sân đỗ trả khách vốn không lớn, nhưng đơn vị quản lý bến xe vẫn để các hàng quán hoạt động, càng thu hẹp diện tích đỗ xe chờ xuất bến. Vệ sinh môi trường trong bến xe không được bảo đảm. Hành khách xả rác thải, xú uế bừa bãi, khiến quang cảnh nhếch nhác.
An ninh khu vực Bến xe Mỹ Ðình cũng khá phức tạp, nạn trộm cắp vặt diễn ra thường xuyên... Cũng do diện tích sân đỗ có hạn, cho nên các phương tiện như xe máy chở khách, ta-xi phải dừng, đỗ ngoài bến để đón khách.
Vào những giờ cao điểm, giao thông ở khu vực này thường xảy ra hỗn loạn, ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vào những ngày cao điểm, bến xe nhốn nháo như trong tình trạng "ong vỡ tổ", khiến bất kỳ người nào đến bến xe cũng thấy mệt mỏi.
Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo
Dẫn đến tình trạng quá tải và lộn xộn tại Bến xe Mỹ Ðình do rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời gian đầu, từ năm 2004 đến năm 2007, do bến mới, giao thông chưa thuận lợi vì nằm trên tuyến đường vành đai 3 chưa hoàn chỉnh, khớp nối với các tuyến quốc lộ, cho nên lượng xe hoạt động tại Bến xe Mỹ Ðình chưa nhiều.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 trở đi, tốc độ đô thị hóa ở khu vực phía tây Hà Nội, nhất là địa bàn các quận Từ Liêm, Cầu Giấy diễn ra nhanh, kéo theo sự gia tăng dân số nhanh chóng tại khu vực này. Ðây cũng là địa bàn tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, một số khu công nghiệp, nhu cầu đi lại bằng xe khách của các sinh viên, người lao động rất lớn, khiến cho Mỹ Ðình trở thành bến xe đông khách nhất, thu hút các doanh nghiệp vận tải.
Ðúng vào thời điểm này, Quyết định số 16/2007/QÐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực, cho phép các doanh nghiệp vận tải không cần hiệp thương với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mà chỉ cần Sở Giao thông vận tải các địa phương chấp thuận là có thể đưa xe vào hoạt động trên tuyến, khiến các doanh nghiệp vận tải các tỉnh, thành phố khác "đổ xô" đăng ký khai thác tuyến, đưa số lượng xe hoạt động tại Bến xe Mỹ Ðình tăng lên hơn 1.000 xe/ngày.
Tháng 10-2009, nhận thấy Bến xe Mỹ Ðình đã rơi vào tình trạng quá tải, Bến xe Yên Nghĩa đã bắt đầu hoạt động, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có Thông báo số 1382/TB-GTVT tạm thời không cho bổ sung mới, đăng ký mới phương tiện từ các tỉnh phía nam, đông nam vào Bến xe Mỹ Ðình, yêu cầu các tuyến này vào hoạt động tại Bến xe Yên Nghĩa.
Sau thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải lại ban hành Thông tư 14/2010 chấp thuận việc mở tuyến, ngừng hoạt động tuyến vận tải hành khách thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải.
Do đó, khi Công ty Quản lý bến xe Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động đến 24 giờ hằng ngày, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho phép tăng thêm 97 lượt xe/ngày, trong đó phần lớn là các tuyến xe đi các huyện vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, do không phải chuyển tuyến, chuyển bến.
Như vậy, việc để xảy ra tình trạng quá tải tại Bến xe Mỹ Ðình trước hết là do bất cập trong cơ chế quản lý vận tải của Bộ Giao thông vận tải. Quyết định số 16/2007 cho phép Sở Giao thông vận tải các địa phương được khai thác tuyến cố định, bổ sung xe vào tuyến cho các doanh nghiệp vận tải, không cần hiệp thương với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đã khiến cho Hà Nội không thể khống chế số xe đăng ký ồ ạt vào hoạt động tại Bến xe Mỹ Ðình, khiến bến xe rơi vào tình trạng quá tải.
Sau khi Thông tư số 14/2010 của Bộ Giao thông vận tải trao thẩm quyền cho cơ quan quản lý tuyến, Sở Giao thông vận tải chưa thường xuyên rà soát biểu đồ, tần suất chạy xe của các đơn vị cho phù hợp với hoạt động của bến xe. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các bến xe chưa quyết liệt.
Về phía Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, mặc dù là đơn vị trực tiếp khai thác bến, song đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài, gây nên những lộn xộn, nhếch nhác, mất an ninh trật tự trong bến xe, làm ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp và việc đi lại của người dân.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, rõ ràng, vấn đề mấu chốt dẫn đến tình trạng quá tải không chỉ ở Bến xe Mỹ Ðình mà ở tất cả các bến xe ở Hà Nội là sự bất cập giữa nhu cầu đi lại của người dân tăng cao và sự chậm trễ trong đầu tư xây dựng các bến xe khách.
Theo Quy hoạch 165/2003/QÐ-UB ngày 2-12-2003 của UBND thành phố Hà Nội, với dự báo dân số Hà Nội (cũ) đến năm 2020 từ 4 triệu đến 4,5 triệu người thì các bến xe khách liên tỉnh cần tổng diện tích bằng 28 ha.
Tuy nhiên, đến nay với quy mô dân số của Hà Nội mở rộng lên đến hơn sáu triệu người, nhưng tổng diện tích các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội chỉ đạt 15,9 ha. Với quy mô các bến xe như vậy, cho nên trừ Bến xe Yên Nghĩa nằm ở vị trí không thuận tiện về giao thông, lượng hành khách còn ít, các bến xe khác của Hà Nội đều quá tải.
Cũng theo quy hoạch này, Bến xe Mỹ Ðình quy mô là 3,5 ha, tuy nhiên trong giai đoạn đầu, bến xe chỉ xây dựng rộng 1,98 ha, cho nên, việc bị quá tải là điều dễ hiểu.
Ðầu tư các bến xe mới
Ðể khắc phục tình trạng lộn xộn, quá tải tại Bến xe Mỹ Ðình, lập lại trật tự vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, từ ngày 5-6, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thành lập hai đoàn kiểm tra công tác quản lý tại bến xe; chỉ đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiểm tra chặt chẽ xe ra vào bến, tăng cường điều hành, sắp xếp trong bến khoa học hơn, giải tỏa hàng quán để tăng diện tích đỗ xe và nhà chờ cho hành khách, bảo đảm vệ sinh môi trường; phối hợp công an và chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự tại bến.
Sở Giao thông vận tải triển khai điều chuyển hơn 300 lượt xe từ Bến xe Mỹ Ðình về các bến khác, đồng thời, tiếp nhận 77 lượt xe đi các tỉnh phía bắc từ các bến khác về Mỹ Ðình, để tránh chồng chéo, lộn xộn; triển khai bốn tuyến xe buýt nhanh để vận chuyển hành khách từ Bến xe Mỹ Ðình sang các bến khác.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an thành phố đã giải tỏa dứt điểm bến xe dù nằm trên bãi đất trống tiếp giáp phía sau bến Mỹ Ðình, tổ chức lại giao thông khu vực các bến xe, tập trung xử lý các xe khách chạy vòng vo, chạy sai lộ trình...
Việc tiến hành những giải pháp nêu trên bước đầu mang lại kết quả. Tình trạng ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực Bến xe Mỹ Ðình đã chấm dứt, không còn hiện tượng xe dù, xe khách vòng vo đón khách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế, bởi rất tốn sức người, sức của, khó duy trì thường xuyên. Hiện tại, khi các lực lượng chức năng làm quyết liệt, các xe dù, bến "cóc" tạm thời ngừng hoạt động, chỉ đợi khi các lực lượng buông lơi sẽ hoạt động trở lại.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải chưa sẵn sàng chấp hành kế hoạch di chuyển các lượt xe khỏi Bến xe Mỹ Ðình, bởi "thị trường" vận tải khách ở khu vực là rất lớn.
Một lái xe thuộc diện phải điều chuyển sang bến khác cho biết: Chúng tôi sẽ chấp hành kế hoạch song rất cần có thêm thời gian để sắp xếp hoạt động. Bởi nếu ngay lập tức chuyển về bến xe mới, không có khách đi, không có doanh thu, sẽ buộc các xe phải về Bến xe Mỹ Ðình làm xe dù.
Chính vì vậy, cùng với việc sắp xếp lại tuyến xe khách, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội phối hợp huyện Từ Liêm đẩy nhanh tiến độ mở rộng bến xe Mỹ Ðình theo đúng quy hoạch.
Yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quỹ đất các dự án bất động sản chưa đầu tư, vận động, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các bến xe tạm để giải quyết nhu cầu bến xe; đồng thời rà soát quy hoạch, bổ sung thêm các bến xe mới ở khu vực ngoài vành đai 3, vành đai 4, bảo đảm phù hợp quy hoạch, thuận tiện việc đi lại của người dân.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, có tính chất lâu dài như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải và lộn xộn tại các bến xe Hà Nội, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, ổn định hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm trật tự giao thông, trật tự đô thị của Thủ đô.
Theo Kiều Hương – Hạnh Nguyên
Nhân Dân