Những chiêu trò 'cứu nhân độ thế'

Những chiêu trò 'cứu nhân độ thế'
Gần đây, trên địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) rộ lên tình trạng đồng bóng, bói toán, chữa bệnh trái phép và nhiều đối tượng đã bị chính quyền địa phương xử lý hành chính, giáo dục răn đe nhưng vẫn lén lút hành nghề. Điều đó đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Những chiêu trò 'cứu nhân độ thế'

> Kỳ lạ nữ 'thần y' chữa bệnh bằng chân
> Chấm dứt hoạt động mê tín về 'thần rắn'

Gần đây, trên địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) rộ lên tình trạng đồng bóng, bói toán, chữa bệnh trái phép và nhiều đối tượng đã bị chính quyền địa phương xử lý hành chính, giáo dục răn đe nhưng vẫn lén lút hành nghề. Điều đó đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Chân dung Võ Thị Lan ...
Chân dung Võ Thị Lan ....

Đoán trước tương lai...

Từ ngã ba Cây Cốc (QL1A) theo QL14E đi khoảng 5km đến ngã ba Bình Quý, chúng tôi tìm đến nhà "thầy" Võ Viết Quý (1972, trú tổ 13, TT Hà Lam). Theo giới thiệu của nhiều người, ông Quý có thể xem hậu vận, đoán tương lai bằng nhiều cách khác nhau, như xem giò gà, chỉ tay, xem tướng, đoán tướng... Để đảm bảo trật tự và công bằng, gia đình "thầy" Quý tổ chức cho người đến xem quẻ bằng hình thức phát số.

Anh Nguyễn Đức (sống trong khu vực) cho biết: Hằng ngày, từ sớm đã có nhiều người đến chờ để được nghe "thầy" đoán vận hạn. Việc tụ tập đông người đã ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, nhiều lần chính quyền địa phương mời ông Quý lên giáo dục, răn đe nhưng tất cả chỉ như "nước đổ lá môn".

Cũng theo anh Đức, ngoài số tiền thu được từ những người đến xem bói (20 - 50 ngàn đồng/lượt), ông Quý còn có một "nghề tay trái" khác là "cò" cây cảnh. Trước đây ở cạnh nhà "thầy" Quý có một người chuyên mua bán cây lộc vừng, sanh kiểng nhưng ế ẩm nên nảy ra sáng kiến thuộc loại độc nhất vô nhị là sang đặt vấn đề nhờ "thầy" Quý "cài" mối bán hộ.

Từ đó, mỗi khi xem quẻ cho người nào có vẻ khá giả, "thầy" Quý phán: Gia chủ đang gặp vận hạn. Muốn qua khỏi cần phải có một loại cây để trồng trong nhà... Phán xong, "thầy" hướng dẫn sang nhà vườn bên cạnh để mua cây với giá... trên trời. Tất nhiên, sau khi bán được cây, người này không quên hậu tạ "thầy" Quý.

...và bản tường trình của Lan
...và bản tường trình của Lan.

Thắc mắc vì sao điểm hành nghề bói toán trái phép của "thầy" Quý tồn tại hơn 5 năm vẫn không dẹp được, Trung tá Dương Văn Diện - Trưởng CATT Hà Lam cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần mời ông Quý lên giáo dục, yêu cầu viết cam đoan không được hành nghề. Tuy nhiên, lợi dụng sự cả tin của nhiều người, ông Quý vẫn tiếp tục hoạt động.

Khác với "thầy" Quý, Võ Thị Lan (1980, trú Quý Thạnh 2, Bình Quý, Thăng Bình) chuyên nghề lên đồng để xem bói và bốc thuốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây vợ chồng Võ Thị Lan hành nghề mua bán bột nhang và nhang từ Thăng Bình cho các quán ở các huyện lân cận.

Tuy nhiên, nghề mua bán nhang vất vả, Lan chuyển sang nghề lên đồng bốc thuốc. Từ ngày chuyển nghề, kinh tế gia đình Võ Thị Lan giàu lên trông thấy và đã xây được ngôi nhà bạc tỷ, sở hữu 2 chiếc ô-tô.

Theo anh T., trình độ lừa phỉnh của Lan thuộc dạng cao thủ. Để lên đồng và phán chính xác, Loan thường sử dụng một số người làm "thám tử", lân la tìm hiểu hoàn cảnh của các gia chủ. Khi đã có đủ thông tin, lúc đó Lan mới giả giọng lên đồng, đưa ra những lời phán... khiến nhiều người lạnh gáy.

Ngày 13/6/2013, làm việc cùng CAX Bình Quý, chúng tôi được anh Nguyễn Cường - Trưởng CAX cho biết: Năm nào CAX cũng mời bà Võ Thị Lan lên giáo dục, răn đe và lập hồ sơ, đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân. Mỗi lần như vậy, Lan đều hứa từ bỏ việc hành nghề trái phép, nhưng vẫn lén lút tổ chức...

Nhiều người đang chờ đợi để được
Nhiều người đang chờ đợi để được "cô" Hồng chữa bệnh.

... Chữa bệnh bằng lá cây, nước lã

Mặc dù mới bị các cơ quan chức năng tại H. Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính về hành vi hành nghề chữa bệnh trái phép, nhưng một ngày đầu tháng 6-2013, chúng tôi đến nhà Lê Thị Hồng (1980, TT Hà Lam, Thăng Bình) thì thấy vẫn đông nghịt khách. Trong lúc chờ đợi đến lượt, chúng tôi được nhiều người kháo nhau về tài chữa bách bệnh của "cô" Hồng.

Theo họ, cô Hồng có tài chữa bách bệnh, từ sổ mũi hắt hơi đến các bệnh nan y như ung thư... Nhiều trường hợp bị bệnh ung thư, nằm chờ chết nhưng khi uống vài ba thang thuốc của "cô" thì tứ chi đã hoạt động trở lại. Tiếp tục uống thêm vài chục thang, da dẻ trở nên hồng hào, mạnh khỏe.

Khi tái khám tại bệnh viện, các bác sĩ hết sức ngạc nhiên vì khối u đã nhỏ hẳn, có dấu hiệu biến mất. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi có biết địa chỉ người vừa được "cô" Hồng chữa khỏi bệnh thì họ lắc đầu: Nghe đâu ở Tây Nguyên!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây Lê Thị Hồng chỉ làm nông, nhưng sau đó mày mò tìm hiểu những bài thuốc dân gian chữa trị các chứng bệnh thông thường rồi tiếp tục học nghề "lên đồng" và tìm cách khuếch trương danh tiếng của mình qua những người thân trong gia đình.

Mặc dù chẳng có một chút kiến thức về y học song với những loại cây thuốc Nam vừa được thu hái cộng thêm một chút huyền bí thông qua việc lên đồng đã làm cho nhiều người tin "cô" Hồng có thể chữa bách bệnh.

Theo ông Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Y tế H. Thăng Bình, các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, phát hiện và xử phạt Lê Thị Hồng về hành vi hành nghề chữa bệnh trái phép, song đâu rồi lại vào đó.

Toàn cảnh nhà
Toàn cảnh nhà "thầy" Quý.

Một trường hợp khác mà khi biết được sự thật về cách chữa trị cho người bệnh chắc hẳn không ai tránh khỏi rùng mình, đó là đối tượng Võ Thị Hòa (1979, trú Quý Xuân 1, Bình Quý, Thăng Bình).

Theo bản tự khai của Hòa viết: Bà tổ cô mượn xác của tôi để cứu nhân, độ thế, chuyên chữa các bệnh về đường căn, tà ma, con nít khóc đêm... Bí danh bà tôi là cô Tám tứ phủ... Hòa cũng thừa nhận: Trong khi chữa bệnh không có thuốc Nam và các loại thuốc khác, chỉ dùng nước vừa múc từ giếng nước của mình để khoán cho người có bệnh uống. Đó là phép của bà tôi.

Cũng theo nhiều biên bản tự khai và biên bản làm việc khác của CAX Bình Quý, Võ Thị Hòa đều không thừa nhận việc lấy tiền của người khác, tất cả chỉ dựa vào lòng hảo tâm sau khi được "chữa bệnh".

Theo anh Nguyễn Cường - Trưởng CAX Bình Quý, từ năm 2009, Võ Thị Hòa hành nghề chữa bệnh bằng hình thức lên đồng. Mỗi ngày có khoảng 10-20 con bệnh tìm đến nhờ Hòa chữa trị. Bằng hình thức cúng bái, cho uống nước lã... nên chuyện chữa lành bệnh là điều khó tin. Đã có trường hợp gia đình người bệnh làm đơn tố cáo gửi cơ quan CA có nội dung liên quan đến vấn đề lợi dụng việc chữa bệnh để thu lợi bất chính của Hòa.

Với những gì đã chứng kiến, theo chúng tôi đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa để dẹp bỏ các tụ điểm đồng bóng, bói toán, chữa bệnh trái phép, qua đó, giúp cho những người nhẹ dạ tránh khỏi tình trạng "tiền mất, tật mang" như đã xảy ra và góp phần làm ổn định tình hình ANTT tại địa phương.

Theo M.T
Công an Đà Nẵng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG