Tạm trú 2 năm mới được nhập khẩu vào 5 thành phố lớn

Tạm trú 2 năm mới được nhập khẩu vào 5 thành phố lớn
TPO - Theo  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú vừa được QH thông qua, để đăng ký thường trú vào các quận thuộc TP trực thuộc T.Ư phải có 2 năm tạm trú.

Nhập hộ khẩu nội thành: ít nhất 2 năm tạm trú

Quốc hội thông qua
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú

Chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Cụ thể, có 462 vị đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết bằng 92,77% so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Nâng thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm

Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết để đáp ứng yêu cầu trước mắt, Luật này chủ yếu tập trung vào một số vấn đề nổi cộm, vướng mắc như tình trạng di dân tự phát vào nội thành của các thành phố lớn, gây quá tải về hạ tầng, an sinh xã hội, quản lý trật tự an toàn xã hội.

Luật quy định nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận thuộc thành phố trực thuộc T.Ư.

Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phan Trung Lý

“Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định thời gian tạm trú là 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp. Quy định này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng cho các địa phương”- Ông Lý cho biết.

Luật cũng quy định, Hội đồng nhân dân TP sẽ quy định diện tích bình quân  đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Giám sát chặt đầu tư công, ngân hàng, DNNN

Chiều cùng ngày Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

Hai cuộc giám sát chuyên đề sẽ lần lượt được thực hiện tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 trong năm 2014 là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”; “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”.

Trước đó, chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và biểu quyết thông qua: Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật phòng, chống thiên tai.

Theo Viết
MỚI - NÓNG