Hai lần đánh giá tác động môi trường cho một dự án

Hai lần đánh giá tác động môi trường cho một dự án
TP - Với một dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có thể phải trải qua hai lần thực hiện. ĐTM ban đầu và ĐTM chi tiết. Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên & Môi trường lấy ý kiến.

> Dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN6A: Ý kiến từ hai phía
> Đồng thanh 'tố' thủy điện

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn, phải chia ra làm hai giai đoạn như vậy là bởi những năm qua, có chủ đầu tư chi rất nhiều tiền cho các ĐTM ở giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi. Dự án sau đó không được thông qua chủ trương đầu tư, gây tốn kém, lãng phí rất lớn, có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Ví như Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải chi rất nhiều tiền để làm ĐTM cho dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A. Nếu không được phê duyệt chủ trương đầu tư thì lãng phí không nhỏ. Đấy là sự lãng phí của doanh nghiệp, nhưng cũng là sự lãng phí chung của toàn xã hội”, ông Sơn nói.

ĐTM ban đầu và ĐTM chi tiết sẽ được áp dụng với các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phải xin chủ trương đầu tư và có nhiều rủi ro.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Bùi Cách Tuyến, việc thực hiện hai lần ĐTM với các dự án có nghiên cứu tiền khả thi là cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia phát triển.

Ông Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá Tác động Môi trường cho rằng nếu doanh nghiệp có điều kiện làm luôn ĐTM chi tiết thì cũng không nên bắt phải làm ĐTM ban đầu. Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải làm ĐTM từ lúc chưa quyết định địa điểm.

“Chúng ta đang đi ngược quy trình, chọn địa điểm rồi mới làm ĐTM, gây áp lực lớn cho những người làm công tác thẩm định”, ông Kinh nói.

Có chứng chỉ mới được hành nghề đánh giá ĐTM

Hiện nay, nhiều báo cáo ĐTM của các chủ đầu tư còn nặng tính đối phó, theo ông Lê Kế Sơn. Một điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi là đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn đánh giá tác động môi trường do cơ quan Nhà nước cấp.

Đối tượng đó phải đảm bảo một số điều kiện như chuyên ngành học, kinh nghiệm, phải qua lớp tập huấn về ĐTM.

“Trước đây quy định người được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo học vị, kinh nghiệm. Anh là thạc sỹ thì được tham gia, anh là kỹ sư thì không được. Nay chúng tôi đề xuất cán bộ tham gia đánh giá tác động môi trường phải có chứng chỉ hành nghề”, ông Sơn nói.

Luật lần này cũng quy định người dân, chính quyền địa phương trong vùng tác động trực tiếp bởi dự án sẽ được tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, vấn đề hậu thẩm định ĐTM cũng sẽ được tăng cường thông qua công cụ là kế hoạch bảo vệ môi trường, tránh tình trạng hiện nay chỉ có 10% các ĐTM được hậu thẩm định.

Thủy điện 6&6A vẫn chờ chủ đầu tư

Liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, theo ông Lê Kế Sơn, hiện nay Bộ TN&MT vẫn đang chờ báo cáo ĐTM hoàn thiện của Tập đoàn Đức Long Gia Lai sau lần họp thẩm định thứ nhất diễn ra tháng 11/2012.

Việc có phê duyệt ĐTM của thủy điện Đồng Nai 6&6A hay không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư phải cung cấp lại thông tin số liệu về tổn thương rừng, diện tích rừng trồng bù, biến đổi dòng chảy hạ lưu như thế nào khi triển khai dự án cũng tác động qua lại với các thủy điện khác trên lưu vực sông Đồng Nai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG