> Lừa gạt, chặt chém, du lịch Việt Nam lao dốc
> Lập đường dây nóng về 'chặt chém' du khách
Làm rõ trách nhiệm từng ngành
Thực trạng nạn chèo kéo, ép giá với khách du lịch được đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành có ý kiến khá gay gắt và đều cho rằng chế tài xử lý hành vi này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng một số trường hợp lái xe taxi, khách sạn “chặt chém” du khách thời gian vừa qua tại Hà Nội có nguyên nhân từ chế tài xử lý không nghiêm.
Ví dụ như hành vi vi phạm bán hàng rong, chèo kéo du khách chỉ bị tạm giữ hành chính không quá 12 giờ và phạt tối đa 100 đến 200 ngàn đồng là quá thấp so với thu nhập của các đối tượng này.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cần phải đóng cửa những khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch vi phạm. Với nhà hàng dịch vụ ăn uống, mua sắm nhỏ lẻ cũng phải đưa vào diện kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán.
Đại diện Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết, những vi phạm trong hoạt động du lịch đã không dừng lại đối với cá nhân và tổ chức trong nước mà cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều trường hợp cả người nước ngoài cũng đã vi phạm các quy định về du lịch ở Việt Nam. Điển hình như trường hợp một số đối tượng người Hàn Quốc đã vào Việt Nam kinh doanh du lịch trái phép.
Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu nâng mức xử lý đối với các hành vi xâm hại đến du khách như chèo kéo, “chặt chém”, ép giá. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu nâng mức xử lý đối với các hành vi xâm hại đến du khách như chèo kéo, “chặt chém”, ép giá.
Cũng theo Phó Thủ tướng, với những đối tượng chèo kéo khách du lịch hiện nay đều thuộc diện “không có gì để mất” vì không cần đăng ký kinh doanh, không có tài sản nên cần có biện pháp quản lý, giám sát mới hiệu quả hơn.
“Cần làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong việc để xảy ra tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
“Làm khách cười mới thành công”
Làm thế nào để phục vụ du khách được tốt hơn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đề nghị các tỉnh, thành cần tiến hành thường xuyên các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ du khách thay vì đến khi có chuyện mới làm như hiện nay.
Với hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn hiện nay hoạt động tương đối quy củ và điều gây lo ngại nhất đó là làm sao phải kiểm soát được các đối tượng tham gia vào phục vụ du khách kiểu “tự do” như đánh giày, đạp xích lô, hướng dẫn “chui”, hàng quán đơn lẻ.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng các địa phương trọng điểm về du lịch cần quan tâm nâng cấp chất lượng của các phương tiện vận tải hành khách công cộng nhất là xe buýt, taxi.
“Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhưng việc thực hiện của nhiều bộ ngành, địa phương còn chậm. Điển hình như xử lý taxi dù đã chỉ đạo nhiều mà không mấy chuyển biến”- đại diện Văn Phòng Chính phủ kiến nghị.
Đánh giá cao nhiều mô hình tốt và nỗ lực của một số địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu cần xây dựng tốt hơn hình ảnh thân thiện của du lịch Việt Nam.
“Trung Quốc năm 2008 cũng phát động cả nước cười để đón khách. Thái Lan, Singapore, Pháp khi khó khăn cũng phải vận động người dân cười. Vấn đề không phải là chúng ta cười mà là phải làm thế nào để khách du lịch cười được mới là thành công”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Kiến nghị bỏ lệ phí visa Trao đổi với Tiền Phong bên lề Hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng cần xem xét bãi bỏ lệ phí cấp visa để thu hút du khách. “Hà Nội đã có kiến nghị với Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL. Trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, chúng tôi cũng đã có kiến nghị về vấn đề này” – Ông Dũng nói. |