Luật hoá nghề 'Ôsin': Chặn được bóc lột, lạm dụng?

Luật hoá nghề 'Ôsin': Chặn được bóc lột, lạm dụng?
TP - Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực từ tháng 5/2013 công nhận giúp việc gia đình (GVGĐ) là một nghề. Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Natsu Nogami, cán bộ phụ trách Luật Lao động (Tổ chức Lao động Quốc tế-ILO) tại Việt Nam quanh vấn đề này.

> ‘Ô-sin' Việt có lương tối thiểu, bảo hiểm?
> Học làm ô-sin 'chính quy'

Bà Natsu Nogami cho biết, việc luật pháp Việt Nam công nhận nghề GVGĐ là đáng mừng. Điều này có nghĩa luật pháp công nhận những người làm nghề GVGĐ thành những lao động chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ cho xã hội, giống như những người lao động (NLĐ) làm việc ở văn phòng hay tại các nhà máy.

Dễ bị bóc lột, lạm dụng

Vậy làm cách nào để người GVGĐ tránh bị bóc lột, lạm dụng, thưa bà?

GVGĐ là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng. Bởi vậy, đưa GVGĐ vào Luật đồng nghĩa với việc thúc đẩy việc làm bền vững, bình đẳng giới và bảo vệ lao động dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, khi công nhận GVGĐ là một nghề, sẽ có những quy định về mối quan hệ lao động giữa người GVGĐ và người thuê lao động, làm cơ sở pháp lý công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người GVGĐ cũng như người thuê lao động. Bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Giúp việc đã trở thành một nghề không thể thiếu trong xã hội. ảnh: Ngọc Châu
Giúp việc đã trở thành một nghề không thể thiếu trong xã hội. ảnh: Ngọc Châu.

Nhưng việc triển khai sẽ không dễ dàng vì người làm nghề GVGĐ ở Việt Nam hiện chưa chuyên nghiệp?

Đúng là việc thực thi Luật sẽ gặp một số thách thức. Có 5 điều khoản trong Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định về lao động GVGĐ (từ Điều 179 đến Điều 183). Tuy nhiên, những điều khoản này chưa cung cấp đủ những hướng dẫn cần thiết để cơ quan có thẩm quyền triển khai luật hoặc để người thuê lao động và người GVGĐ tuân theo.

Một vấn đề quan trọng, hiện không rõ các điều khoản khác trong Bộ Luật Lao động (như lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, chế độ thai sản, nghiêm cấm lao động trẻ em…) có được áp dụng cho lao động GVGĐ hay không.

Nghĩa là cần thiết phải có nghị định hướng dẫn chi tiết để đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa người hành nghề GVGĐ và các nghề khác?

Một trong những vấn đề quan trọng là thiếu hướng dẫn để các cơ quan có thẩm quyền có thể thực thi Bộ Luật Lao động hoặc để người sử dụng lao động và bản thân người GVGĐ có thể tuân theo. Do đó, cần thiết phải xây dựng Nghị định để hướng dẫn việc thực thi Luật.

Để làm được điều này, nghị định phải đảm bảo bình đẳng và không phân biệt đối xử giữa người GVGĐ và các loại hình lao động khác (cùng áp dụng các quy định về lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ phép, chế độ BHXH, an toàn vệ sinh lao động, chế độ thai sản, nghiêm cấm lao động trẻ em…).

Nâng cao nhận thức “ông chủ”

Có thể hiểu việc xây dựng văn bản hướng dẫn phải chi tiết để các đối tượng điều chỉnh hiểu rõ và thi hành đúng?

Nghiên cứu do Bộ LĐ-TB&XH và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy, 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TPHCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000. Nữ giới chiếm tới 90,7% nghề GVGĐ và phần lớn là lao động nhập cư.

Bộ LĐ-TB&XH cần rà soát lại các điều khoản khác trong Bộ Luật Lao động như lương tối thiểu và BHXH để xem những phần nào được áp dụng cho lao động GVGĐ. Nhưng quan trọng hơn cả, vấn đề nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, bản thân người GVGĐ và toàn xã hội.

Ngoài ra, cũng cần phải giúp người GVGĐ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ bằng cách thành lập công đoàn và đàm phán với người thuê lao động một cách bình đẳng. Các tổ chức công đoàn có thể đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Ví như, thông tin cho lao động GVGĐ về những quyền lợi hợp pháp của họ, giúp đỡ và đại diện cho họ trong việc bảo vệ những quyền đó.

Vậy theo bà, cách nào để người làm nghề GVGĐ trở nên chuyên nghiệp và phát triển bền vững?

Đặc thù của nghề GVGĐ là làm việc trong môi trường hộ gia đình khép kín, sống cùng với gia đình chủ và phần lớn lao động GVGĐ là phụ nữ. Do đó, mới chỉ luật hoá là chưa đủ. Cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và quy định pháp lý đối với công việc GVGĐ.

Ngoài ra, phải hiểu rõ về những trải nghiệm thực tế không dễ dàng mà nhiều lao động GVGĐ trên khắp thế giới từng trải qua (như bị lạm dụng, bạo lực và bóc lột lao động) cũng như việc phần lớn người GVGĐ là phụ nữ, những lao động dễ bị tổn thương, xuất thân từ nông thôn với trình độ học vấn thấp. Bởi vậy, cần tuyên truyền và đảm bảo quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử đối với nhóm lao động này.

Cảm ơn bà!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.