Không đổi tên nước

Không đổi tên nước
TP - Hôm qua, thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành giữ tên nước như hiện nay.

> Đề nghị giữ nguyên tên nước
> Lấy phiếu tín nhiệm tại QH: Sẽ 'vo tròn' để tồn tại (?)

Đổi tên nước sẽ tốn kém

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) đồng tình việc giữ tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, vì tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay.

Hơn nữa, nếu thay đổi tên nước sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ.

“Trải qua 37 năm tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”- ông Tuyết khẳng định. ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) đồng tình và cho biết, trong hơn 700.000 ý kiến của nhân dân tỉnh Đồng Nai về dự thảo Hiến pháp duy nhất một ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Sau đó chúng tôi có trực tiếp phỏng vấn ý kiến này thì với tâm tư tình cảm, họ muốn trở về với tên nước đầu tiên khi thành lập, chứ không có ý kiến gì khác”- ông Tư nói.

ĐB này cho rằng, tên nước như hiện nay là sự lựa chọn không phải ngẫu nhiên mà là kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử. Nếu đổi tên nước không có cơ sở, không có căn cứ thì có thể gây đảo lộn, xáo trộn không cần thiết.

“Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật”

Trong thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành việc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện tại Điều 4 Hiến pháp với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, cần thiết khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội trong Hiến pháp. Bà Huệ đề nghị bổ sung nội dung “Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

“Nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì không cụ thể. Đảng có Điều lệ, quy định, quy chế để điều chỉnh, xem xét, xử lý các vấn đề trên. Tôi đề nghị bổ sung nội dung Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vào Điều 4 để thể hiện trách nhiệm của Đảng trước những quyết định đồng thời làm cơ sở để nhân dân giám sát”- ĐB Trương Thị Huệ đề xuất.

Không quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo

Trong ba phương án đưa ra về chế độ kinh tế Việt Nam, ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) bày tỏ sự đồng tình với phương án 3 “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nếu Hiến pháp xác định vị thế kinh tế nhà nước là chủ đạo hoặc xác định ưu tiên hay khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó đều là không phù hợp. Bản Hiến pháp được xem như đạo luật gốc, do đó chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần sở hữu, hình thức sở hữu, thành phần kinh tế.

“Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước không thể bất biến. Từng thời kỳ các chính sách sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển vì thế việc ưu tiên, khuyến khích hay hạn chế chỉ nên luật định mà không nên hiến định”- ông Nhân đề xuất.

HĐND mạnh thì dân mới có chỗ dựa vững chắc

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng: Phải củng cố chứ không nên bỏ HĐND của địa phương. “HĐND mạnh thì nhân dân mới có chỗ dựa vững chắc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ngày càng được bảo đảm, tăng cường”- ông Nghĩa nói.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đồng tình quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng điều người dân mong muốn là làm thế nào để hiến định này đi vào cuộc sống. Bởi thực tế người dân đang rất khó khăn, phiền hà trong các việc như khám chữa bệnh, học hành, giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn...

“Tất cả những việc nêu trên người dân đến để được giải quyết thì rất nhiều trường hợp như đi xin, đi nhờ thậm chí phải phong bì mới được giải quyết. Như vậy quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại”- bà Huệ nói.

Đại biểu này đề nghị trong Hiến pháp phải quy định rõ cơ chế và trách nhiệm của người đứng đầu, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân thì quy định này mới thực sự đi vào cuộc sống.

Trái với những ý kiến phát biểu trước đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cho biết, nhiều cử tri đề nghị lấy tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vì tên này gắn với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959. Tên nước này thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa, bản chất của Nhà nước là Nhà nước dân chủ, phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu này cũng đặt vấn đề, nếu cho rằng sẽ tốn kém do đổi tên nước, vậy các lần đổi tên nước trước đây thì sao, phải chăng không tốn kém? “Nếu tốn kém kinh phí cho việc sửa đổi để ra đời một bản Hiến pháp hiệu quả, phù hợp với lòng dân thì nhân dân ta cũng đồng thuận cao”- ông Hà nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG