Đề nghị giữ nguyên tên nước

Đề nghị giữ nguyên tên nước
Sáng nay (3/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phần lớn các ý kiến của các Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên nước và giữ nguyên điều 4.

> Lấy phiếu tín nhiệm tại QH: Sẽ 'vo tròn' để tồn tại (?)
> Quốc hội thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết phát biểu ý kiến. Ảnh:TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết phát biểu ý kiến. Ảnh:TTXVN.

Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý đối với với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là về tên nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí giữ nguyên tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, tên gọi trên ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tên gọi CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.

Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa Xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) cho biết, theo thu thập lấy 700 ý kiến nhân dân tại tỉnh, chỉ có 1 ý kiến là đổi tên nước. Còn đa số ý kiến công dân nhất trí giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam. Bởi tên này đã dựa trên cơ sở thành lập Nhà nước Việt Nam từ khi mới thành lập, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Nếu đổi tên nước nếu không có cơ sở, căn cứ rõ ràng sẽ gây xáo trộn không cần thiết.

Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) nhất trí với quan điểm giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam vì tên gọi này đã gắn liền với đất nước ta 37 năm nay và rất quen thuộc với người dân.

Nhất trí giữ nguyên Điều 4

Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại Hội trường sáng 3/6.

Đa số các đại biểu tán thành và nhất trí giữ nguyên Điều 4 như Dự thảo đã công bố.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi trong Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, thể hiện vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước. Đảng có vai trò to lớn đối với đất nước từ khi ra đời cho đến nay. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng 8/1945 đến những thành tựu to lớn của đất nước hiện nay đều có vai trò to lớn do Đảng lãnh đạo.

Việc ghi rõ và khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi trong Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với thực tế lịch sử, khách quan, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân nên cần được bảo vệ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỷ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (đoàn Ninh Thuận) nhất trí giữ Điều 4 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.

Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Đảng còn là đội tiên phong tập hợp ý chí, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội. Vì vậy không thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đóng góp vào Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, để làm cụ thể hơn vai trò lãnh đạo và lòng tin của Đảng trước nhân dân, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung thêm quy định Đảng chịu trước trách nhiệm trước pháp luật, trước sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng.

Cơ chế này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng.

Theo VOV

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.