Mất điện toàn miền Nam, EVN mong cảm thông, chia sẻ!

Mất điện toàn miền Nam, EVN mong cảm thông, chia sẻ!
TP - Liên quan đến sự cố ngày 22/5, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, đây là sự cố rất nghiêm trọng, mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông của khách hàng, chính quyền và nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

> Người gây mất điện toàn miền Nam có thể bị khởi tố
> Tạm giữ 3 người liên quan mất điện toàn miền Nam

Hậu quả rất nghiêm trọng

Trả lời báo chí ngày 23/5, ông An cho biết, sự cố chiều ngày 22/5 là lớn, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng và thay mặt lãnh đạo EVN, mong nhận được sự chia sẻ và cảm thông của quý khách hàng.

Theo ông, ngay khi sự cố xảy ra, EVN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, tái lập lại việc cung cấp điện cho khách hàng. Theo đó, vào lúc 22h40, toàn bộ hệ thống điện miền Nam đã được khôi phục và cấp điện trở lại toàn bộ.

Cũng theo phân tích của lãnh đạo “nhà đèn” này, khi sự cố xảy ra ở một đường dây 500kV, thường đẩy đường thứ hai lâm vào tình trạng quá tải. Chính điều này đã dẫn đến việc mất điện toàn khu vực miền Nam.

Thế vì sao khi mất điện diễn ra rất nhanh nhưng phải mất tới 8 tiếng mới khôi phục được toàn bộ hệ thống điện? “Những sự cố liên quan đến đường dây 500kV trong khi đang truyền tải công suất và sản lượng cao (như chiều 22/5) sẽ gây mất điện trên diện rộng, khiến việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, theo ông An.

Tính toán bước đầu của EVN, chiều 22/5, đã có 15 nhà máy điện với 43 tổ máy phát điện phải tách ra khỏi lưới điện. Việc tái lập lại hệ thống này mất nhiều thao tác.

Ví như để khắc phục, trước tiên phải phán đoán sơ bộ nguyên nhân sự cố, giải trừ các tính hiệu của rơ le bảo vệ, kiểm tra thiết bị và tình trạng thiết bị tại các nhà máy điện; tìm phương án khởi động dần dần các tổ máy. Sau đó, tìm cách khắc phục lại hệ thống điện 500kV Bắc-Nam và khôi phục lại toàn bộ phụ tải đã có trong hệ thống điện.

“Hệ thống điện bao gồm nhiều tổ máy, rất nhiều thiết bị cần phải kiểm tra, khôi phục hoạt động. Quá trình khôi phục phải tuân thủ quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt để tránh các sự cố khác có thể xảy ra tiếp theo”, ông An khẳng định.

EVN có biện pháp gì để ngăn sự việc tương tự nếu xảy ra trong tương lai? “Đối với lưới điện cao áp và siêu cao áp 500kV, việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện rất quan trọng. Chúng tôi mong rằng toàn xã hội tăng cường bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp”, ông An nói.

Cũng theo ông An, việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện đã được quy định rõ tại Nghị định 106 của Chính phủ năm 2005. Sự cố như ngày 22/5 không những gây xáo trộn đời sống, sản xuất mà bản thân ngành điện cũng chịu hậu quả rất lớn.

Người gây ra sự cố có thể bị khởi tố

Chiều 23/5, trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Võ Quang Lâm, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng (thuộc EVN) cho biết, việc xử lý đối tượng vi phạm đang được Công an Bình Dương điều tra. “Hiện, chúng tôi đang chờ ý kiến từ phía cơ quan công an, nhưng việc khởi tố là chắc chắn”, ông Lâm nói.

Theo công bố của EVN, lượng điện phát bị mất khoảng 9.400 MW. Đối với hàng loạt các ngành bị ảnh hưởng như siêu thị, hàng hóa bị hư hỏng, theo một lãnh đạo EVN, phải căn cứ vào hợp đồng mới có thể đưa ra phương án bồi thường. “Thiệt hại gây ra do lý do bất khả kháng. Do đó, phải căn cứ cụ thể từng trường hợp mới có thể tính toán được”, ông cho hay.

Nhìn nhận vụ việc này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lưu ý hành lang tuyến của đường dây 500kV và độ võng thấp nhất của đường dây 500kV tới mặt đất đã có quy định, nên người dân vi phạm phải chịu trách nhiệm. “Sự cố tương tự có nhiều, thường xuyên như đường dây 110kV, 220kV. Còn sự cố ngày 22/5 xảy ra lần đầu tiên đối với đường dây 500kV”, ông Ngãi nói.

Đến thời điểm 16h00 ngày 23/5, tổng công suất nguồn điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được là 1.100 MW. Đó là tổ máy GT1 của Nhà máy điện Phú Mỹ 1 và toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3.

Trong thời gian xảy ra sự cố và hiện tại, EVN đã huy động các tổ máy nhiệt điện và tua bin khí chạy dầu Thủ Đức, Cần Thơ để hỗ trợ khôi phục nhanh phụ tải khu vực miền Nam. “Hiện, Tập đoàn đang tính toán mức thiệt hại trực tiếp sau sự cố toàn bộ miền Nam bị mất điện”, một lãnh đạo EVN cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.