Chỉ nên siết nhập cư nội thành
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Ảnh TTXVN |
Tại Dự thảo Luật cư trú, điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố (TP) trực thuộc T.Ư đã được siết chặt hơn với các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp: trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên.
Đối với trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 1 năm trở lên.
Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô. |
Dự luật nêu rõ trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Đối với sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân, Dự thảo Luật cư trú đưa ra thời hạn tối đa 24 tháng, trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày, công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn. (tuy nhiên, tại Dự thảo luật lại chưa quy định thủ tục gia hạn cụ thể). Điều này khác với Luật cư trú hiện hành, khi sổ tạm trú không xác định thời hạn.
Về điều này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với thực tế, khi nhiều trường hợp thời hạn tạm trú của công dân là dài hơn 24 tháng, khi đó việc bổ sung quy định về thời hạn của sổ tạm trú đã phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, điều kiện này còn khiến việc quản lý nhân khẩu thông qua sổ tạm trú rất khó thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, người dân cư trú tại các thành phố lớn là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú. |
Siết nhập cư liệu có giảm tải cho đô thị?
Với các điều kiện nhập cư vào các TP lớn nêu trên, Bộ Công an cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và chính quyền.
Về phía chính quyền, siết nhập cư sẽ khiến ốc độ tăng dân số cơ học vào TP giảm, tạo điều kiện cho chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công để phục vụ lợi ích của người dân đang cư trú tại địa phương. Từ đó, chính quyền sẽ khắc phục được tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, hạ tầng giao thông.
Về điều kiện diện tích tổi thiểu khi đăng ký thường trú vào TP trực thuộc T.Ư , chính quyền sẽ có các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế dựa trên số lượng người đang cư trú tại địa phương.
Về phía người dân, họ sẽ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công dễ dàng hơn, tránh ùn tắc giao thông, giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường... Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Trước lập luận của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng các điều kiện như trên sẽ không giải quyết được vấn đề người dân tập trung cứ trú ở nội thành, đặc biệt là các thành phố lớn. Vì người dân cư trú tại thành phố để làm việc, chứ không phải được đăng ký thường trú.
Ông Lý đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc trung ương.
Về việc quy định xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc vì điều đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư Tại điều 20, Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú cho biết, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: 1. Có chỗ ở hợp pháp; trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. 2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; ) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. |