Đột phá mới hy vọng vực dậy kinh tế

Đột phá mới hy vọng vực dậy kinh tế
TP - Thảo luận tổ về kinh tế xã hội hôm qua (22/5), ĐBQH kiến nghị cần phân tích rõ nguyên nhân làm rõ trách nhiệm để xảy ra yếu kém trong nền kinh tế, đồng thời cần giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn.

> Đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội
> Giải cứu nền kinh tế: Chấp nhận bội chi?

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, nền kinh tế đang nằm trong giai đoạn trì trệ, suy giảm tăng trưởng từ 2008 đến nay. Sự trì trệ đó sẽ kéo mức tăng trưởng của chúng ta dưới 5% là nguy cơ sâu.

Theo ĐB Lịch, lúc này khống chế nợ công là cần thiết, nhưng trong 2 năm tới, Quốc hội nên có quyết định khó khăn là xem lại vấn đề về tăng bội chi, nới rộng chính sách tài khóa để tăng tổng cầu, nhưng phải giám sát chặt chẽ.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cần một giải pháp đột phá, còn nếu dùng những giải pháp bình thường sẽ ít tác dụng. “Không nên lưu luyến kế hoạch 5 năm đã đề ra mà phải xây dựng chương trình đặc biệt cho ba năm tới, với mục tiêu là dùng tất cả chính sách để vực nền kinh tế đi lên chứ không thể để trì trệ mãi như hiện nay” - Ông Lịch kiến nghị.

ĐB Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc) chia sẻ, tại Vĩnh Phúc nợ xây dựng cơ bản từ xã đến tỉnh lên tới cả nghìn tỷ đồng. Để trả nợ được hết cũng phải mất tới cả một nhiệm kỳ. Vì vậy, việc cần làm là tập trung gỡ khó cho DN bằng những biện pháp cụ thể.

ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) cho rằng, tình hình thu ngân sách dự báo còn nhiều khó khăn, ngay cả cơ chế nguồn để điều chỉnh nâng lương cơ bản cũng gặp khó. Đề nghị Chính phủ phải quyết liệt mạnh mẽ và có giải pháp đột phá hơn.

Vay cũng không biết làm gì cho có lãi

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng những khó khăn trong nền kinh tế ngày càng gay gắt hơn, biểu hiện qua thu ngân sách và các chỉ tiêu đạt thấp.

Công tác điều hành và các giải pháp của Chính phủ còn nhiều lúng túng, chưa thực sự phù hợp. Ví dụ, riêng chuyện mua trữ lúa gạo năm nào cũng loay hoay, lặp đi lặp lại điệp khúc rớt giá, mua không ổn định, gây khó khăn cho người dân.

Rất xót xa là DN của chúng ta thua ngay trên sân nhà. Chính sách, chủ trương là của mình ban hành, nhưng đưa ra phục vụ ai cần phải xem xét lại. “Phải phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm cụ thể. Có như vậy mới có thể bàn và đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn”- ĐB Tâm nói.

Chỉ rõ bất cập trong báo cáo Chính phủ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận định, tái cơ cấu quá chậm, hai năm đã qua nhưng chúng ta chưa làm được gì nhiều. Năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế nhưng quá sơ lược, chung chung và đến nay Quốc hội cũng chưa có một đề án hoàn chỉnh.

Theo ĐB, đến nay những khuyết tật của nền kinh tế, chẳng hạn như nợ xấu ngày càng trầm trọng, không thể chỉ gọi là cục máu đông, phải gọi đó là khối u, là những quả bom nổ chậm. “Nền kinh tế đang ngày càng lệ thuộc vào nước ngoài, thậm chí vào một quốc gia như Trung Quốc là rất đáng lo ngại”- ĐB Nghĩa nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng nợ xấu chưa được cải thiện thì dòng tín dụng vẫn bị ách tắc. Ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp lại không dám vay bởi vay cũng không biết làm gì cho có lãi.

ĐB Phạm Xuân Hùng (Hà Nội) nhìn nhận, vấn đề cốt lõi là sức mua của nền kinh tế vẫn rất kém, cho nên điều quan trọng là kích cầu đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, tạo niềm tin cho ngân hàng.

“Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể, vững chắc hơn. Trong đó trọng tâm là xác lập được các kết nối kinh tế lớn của đất nước một cách vững chắc” - ông Hùng kiến nghị.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Phải chẩn bệnh đúng mới có thuốc chữa

ĐB Bùi Thị An
ĐB Bùi Thị An.

Chính phủ đã vào cuộc khá nhanh, nhưng trong quá trình giải quyết có lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Trong điều hành vĩ mô có lúng túng, sự phối hợp giữa các ngành không ăn khớp đánh giá của các ngành về thực trạng kinh tế cũng chưa chuẩn.

Rất nhiều tỉnh báo cáo GDP tăng cao, nhưng tổng hợp lại thì cả nước lại đạt thấp, như vậy cần xem lại con số thống kê. Nếu chúng ta chẩn bệnh không thống nhất, sẽ không có thuốc chữa.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Nên chỉ rõ nợ xấu ở đâu

ĐB Trần Thị Quốc Khánh
ĐB Trần Thị Quốc Khánh.

Trong bối cảnh hiện nay, mong Chính phủ và Quốc hội quan tâm đến nợ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa chỉ ra là nợ xấu nằm ở đâu, ở doanh nghiệp nào. Như vậy làm sao mà đòi hỏi Quốc hội ủng hộ trong xử lý nợ xấu được. Cần phân tích cụ thể là nợ xấu phát sinh từ đâu, doanh nghiệp nào, từ đó mới có giải pháp cụ thể.

Tôi tin là Quốc hội sẽ tập trung tìm giải pháp để cứu những doanh nghiệp xứng đáng, còn những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây thất thoát, tham nhũng thì không thể nào cứu được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG