Chuyện sinh nghề tử nghiệp ở làng sát sinh số 1 Việt Nam

Chuyện sinh nghề tử nghiệp ở làng sát sinh số 1 Việt Nam
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người nông dân vẫn thường xuýt xoa khen trâu là loài động vật hiền lành, chăm chỉ, thậm chí còn “làm thật ăn giả” vì nó chỉ ăn cỏ, ăn rơm rạ mà làm ra lúa gạo, tiền của nuôi sống con người, giúp người nông dân nên cơ nghiệp.

Chuyện sinh nghề tử nghiệp ở làng sát sinh số 1 Việt Nam

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người nông dân vẫn thường xuýt xoa khen trâu là loài động vật hiền lành, chăm chỉ, thậm chí còn “làm thật ăn giả” vì nó chỉ ăn cỏ, ăn rơm rạ mà làm ra lúa gạo, tiền của nuôi sống con người, giúp người nông dân nên cơ nghiệp.

Chuyện sinh nghề tử nghiệp ở làng sát sinh số 1 Việt Nam ảnh 1
 

Thời phong kiến, các vị vua chúa vẫn thường ra lệnh cấm giết mổ trâu, bò để giữ gìn sức kéo, phục vụ nông nghiệp. Trên vùng cao, khí trời buốt giá, bà con dân tộc thiểu số vẫn nơm nớp lo cho “con của” hơn cả con người. Sợ trâu chết cóng, họ thường lấy bao tải mặc cho chúng, rồi căng bạt, sửa chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho chúng vào những ngày giá lạnh.

Vậy mà, ở giữa miền nông nghiệp trù phú, có một làng chuyên giết thịt trâu, bò đã tồn tại mấy chục năm nay - làng Phúc Lâm (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Những câu chuyện “sinh nghề tử nghiệp” đau lòng vẫn cứ diễn ra như cơm bữa ở ngôi làng này, khiến người ta không khỏi nghĩ rằng: Khi con người nỡ đem trâu, bò - loài vật nuôi thân thiết của mình - ra đập chết, xẻ thịt, róc xương, lột da thì “cái nghiệp” phải hứng chịu cũng nặng nề lắm.

Trâu rừng về làng “làm loạn”

Theo chân một vài người quen về làng Phúc Lâm, chúng tôi không chỉ được tận mắt chứng kiến cảnh người ta dắt trâu từ khắp các nơi về nhốt ở chuồng nhà mình, đợi đến giờ giết thịt, mà còn được nghe nhiều câu chuyện hãi hùng từ cái nghề sát sinh này. Dù mang lại nhiều lợi nhuận, kinh tế của nhiều gia đình cũng phất lên từ con trâu, con bò, thế nhưng, đánh đổi lại, những người làm nghề này phải vất vả cực nhọc, ngày nào cũng thức thâu đêm suốt sáng. Một bác lái trâu nói đùa: “Giờ hoàng đạo của cái nghề này thường vào ban đêm, để sáng ra mới có thịt tươi mà bán chứ…”.

Dăm ba năm trở lại đây, dân làng Phúc Lâm đã chứng kiến bao cảnh tượng hãi hùng mà tai họa chính từ những lò giết mổ mà ra. Các lái trâu đi khắp các miền tìm trâu, bò đưa về làng giết thịt. Họ thường lên mạn rừng núi, nơi có nhiều trâu, bò được chăn thả tự nhiên và hoang dã nhất. Họ mang về làng Phúc Lâm đủ các giống trâu, bò, nhưng đáng sợ nhất là những con trâu được thả tự nhiên trên rừng. Bình thường chúng rất hiền lành, nhưng khi về đến Phúc Lâm, như có linh tính, chúng cảm nhận được mùi “tử khí”, mùi “sát sinh” nặng nề ở làng nghề này, chúng bỗng nhiên như “phát điên”, sùi bọt mép, mắt đỏ ngầu, giằng đứt dây chão rồi lao như tên bắn về phía con người. Một người dân làng Phúc Lâm chua xót kể: “Ở cái làng này, những vụ tai nạn gây thiệt hại về người còn kể ra được chứ chuyện trâu nó lồng vào nhà húc đổ tan tành bàn ghế, giường tủ là chuyện xảy ra như cơm bữa…”.

Di ảnh của bà Nguyễn Thị Ẩm - nạn nhân đã thiệt mạng vì bị trâu húc
Di ảnh của bà Nguyễn Thị Ẩm - nạn nhân đã thiệt mạng vì bị trâu húc.
 

Năm 2007, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra làm rúng động cả làng Phúc Lâm. Con trâu ở lò mổ nhà bà Nụ sổng chuồng, giật phăng dây rợ, quăng mình về phía trước, phầm phập lao vào làng. Nó chạy từ ngoài phía đình làng vào tận sân nhà ông Đỗ Văn Quy (SN 1946) - chủ một lò mổ lớn. Phía sau, chủ trâu rong xe máy rượt theo, con trâu thấy tiếng xe máy, đèn xe sáng choang lại càng trở nên hung hãn. Trời nhập nhoạng tối, bà Nguyễn Thị Ẩm (vợ ông Quy) đang cho gà vịt ăn thì bị con trâu dữ xông vào húc toang bụng. Người nhà ông Quy nhớ lại: “Cả nhà tôi đưa bà ấy đi Viện 10 cấp cứu, mổ ngay trong đêm nhưng đã giập hết cả lá lách rồi. Bà ấy bất tỉnh nhân sự, 3 hôm sau thì mất. Trước nhà tôi cũng làm cái nghề giết mổ trâu, bò này, chẳng biết người ta nói có phải không nhưng chắc là do cái nghề nó bạc bẽo quá…”. Đau xót và thương nhớ người vợ quá cố, một thời gian sau, ông Quy cũng đổ bệnh, bị đột quỵ, đi lại vô cùng khó khăn, những khi trái gió trở trời lại nằm đâu nằm đấy trên giường, chỉ thều thào nói chuyện.

Gần một năm sau cái chết đau lòng của bà Ẩm, tai nạn nghề nghiệp lại giáng xuống gia đình anh Đỗ Văn Tư (SN 1986). Lò mổ của gia đình anh cũng thuộc cỡ lớn ở làng. Anh Tư chính thức theo nghề lái trâu từ năm 17 tuổi, anh bảo, đó là cái nghề “mua bằng mắt, bán bằng cân” nên lỗ là thường. Anh bôn ba khắp nơi để tìm chọn trâu về phục vụ cho cái lò mổ lớn đã nuôi sống cả gia đình. Thế rồi, chính con trâu lại là thủ phạm gây ra cái chết thê thảm của ông Dự - chú rể của anh Tư và làm cho mẹ anh - bà Đỗ Thị Vượng bị thương nặng. Vốn liếng, gia sản theo đó mà tan tành. Hôm ấy, ông Dự đang cho trâu uống nước, con trâu ấy thuộc giống trâu “Thổ”, bắt ở rừng núi phía Bắc mang về, thấy người bỗng rống lên, giãy đạp đứt tung dây chão. Nó lao vào húc ông Dự những đòn trí mạng. Khi ấy, bà Vượng đứng ở sân thấy vậy hốt hoảng kêu cứu, con trâu nghe thấy tiếng của bà, tiếp tục lao như điên vào bà Vượng. Anh Tư không giấu được đau đớn, hãi hùng khi nhắc lại sự việc kinh hoàng ấy: “Tai nạn hồi ấy ghê quá. Hôm đấy chính tôi lên đón chú ấy xuống, đưa chú ấy về nhà xong thì mình đi đón hàng, đi xem trâu ở quanh làng này mà. Chú Dự bị nội thương, gan, phổi, lá lách giập hết. Con trâu móc sừng vào sườn, thủng lá lách, mất bao nhiêu là máu, người nhà tiếp cho phải đến 5-6 lít máu mà chú ấy không sống nổi… Chú ấy là người làng bên, nhưng quê ngoại chính là ở Phúc Lâm này. Mẹ tôi cũng bị thương nặng, phải nằm viện rất lâu vì bị gãy xương hông”.

Cũng sau tai nạn khủng khiếp ấy, gia đình anh Tư quyết định đóng cửa lò mổ. Phần vì vốn liếng đã tập trung để chạy chữa cho mẹ, phần vì muốn giảm đi cái nghiệp nặng nề của gia đình mình vì sát sinh. Anh Tư tâm sự: “Nhà tôi nghỉ làm lò mổ vì giai đoạn ấy phải dành thời gian chăm sóc người nhà, không có ai đi bắt hàng cả. Làm cái nghề này là phải có người đi mấy ngày trời để lùng trâu ở Cao Bằng, Bắc Cạn… Mà làm đêm thì vất vả vô cùng”.

Ở làng Phúc Lâm tai nạn thì nhiều. Có khi, nhiều trâu sổng chuồng, chạy ra đường, gia chủ cũng “cắn răng” mà bỏ luôn trâu là chuyện bình thường. Họ sợ con trâu chạy sang làng khác, húc người, gây tai nạn thì số tiền họ phải “đền” sẽ gấp nhiều lần giá trị con trâu ấy. Ở làng này, số trâu bị “bỏ rơi” vô chủ kiểu đó cũng nhiều lắm rồi. Trước kia, cũng ở cùng xóm nhà anh Tư, có trường hợp trâu “phát điên”, chạy ra phía đình Trám, rồi lao ra cánh đồng. Con trâu hung hãn đến nỗi, cứ nhìn thấy người cách cả trăm mét là nó lao vào húc, không một ai dám lại gần nữa. Chủ nhà kia hãi hùng, sợ con vật sẽ gây nhiều tai nạn, họ đã phải nhờ đến chính quyền, nhờ quân đội mang súng ra bắn chết nó ngay giữa đồng. Còn con trâu gây ra đại họa cho nhà anh Tư, sau khi “gây án”, nó chạy vào chuồng lợn của nhà bên cạnh. Rất nhiều lái trâu có kinh nghiệm và thanh niên trai tráng của làng được tập trung lại, họ phải bàn bạc nhau, rồi cầm chiếc sào dài 4 mét, ròng dây điện vào giật chết con vật hung hãn.

Anh Tư bảo, sau những vụ án kinh hoàng như thế, người làm nghề bây giờ cũng đã cẩn thận hơn nhiều, chuồng trại toàn làm bằng bêtông và gò sắt rất kiên cố, chứ không dùng cọc tre như trước nữa. Gặp phải trường hợp trâu phát cuồng cũng không gây nguy hiểm nữa vì họ đã chão đầu, chão mũi con vật cẩn thận. Ấy thế mà, giữa năm 2012, bà Nguyễn Thị Hậu - là chủ 1 trong 6 lò mổ lớn của làng - lại tiếp tục là nạn nhân bị trâu húc. Bà Hậu cũng bị chiếc sừng dài ngoẵng của con trâu rừng đâm thủng lá lách, phải nằm điều trị ở bệnh viện cả tháng trời.

Nghiến răng chịu đựng

Theo trưởng thôn Đỗ Văn Truật (SN 1956) thì làng Phúc Lâm có khoảng gần 500 hộ dân, trước kia nghề giết thịt trâu, bò chiếm đến 1/3 số hộ dân, nhưng đến giờ làng chỉ còn khoảng hơn chục hộ tiếp tục hành nghề. Tuy nhiên, hơn chục cái lò mổ này vẫn “đảm bảo” công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 1/5 số hộ trong làng. Dân làng đến làm thuê tại các lò mổ hoặc trực tiếp là người phân phối các sản phẩm đó ra thị trường.

Mỗi ngày, những tay đồ tể khét tiếng ở làng Phúc Lâm vẫn đều đặn “tiễn” khoảng 100 chú trâu, bò về chầu trời. Dân làng phải nghiến răng chịu đựng, ngày ngày sống trong cảnh ngõ xóm nồng nặc mùi phân, mùi nước tiểu trâu, bò, hôi thối cực độ. Những đàn trâu, bò từ khắp các nơi được các lái trâu dắt díu về làng. Ông Đỗ Văn Truật - Trưởng thôn Phúc Lâm - nói như than thở: “Môi trường sống của chúng tôi lâu nay gặp quá nhiều cái khủng khiếp, mà hướng giải quyết thì khó khăn quá. Chưa giết mổ tập trung được, rải rác các xóm đều có lò mổ, thành thử các rãnh nước quanh làng của chúng tôi bị ô nhiễm lắm. Máu, mỡ, phân trâu, bò, rồi cả nước nhiễm mặn từ việc sử dụng quá nhiều muối cứ tống trực tiếp ra các cống rãnh, rồi chảy thẳng ra ao hồ. Việc nhắc nhở càng khó khăn hơn vì họ không phải là anh em họ hàng thì cũng là láng giềng gần gũi…”

Người ta bảo, đi qua cái làng nghề nào cũng nhận ra ngay bởi người ta hay trưng bày sản phẩm của làng mình ra mặt đường, quốc lộ để giới thiệu quảng bá sản phẩm của quê hương cho khách qua đường dừng lại xem. Ấy thế mà, đi qua làng Phúc Lâm, không ai dám dừng chân một chốc bởi cái sự hôi thối kinh hoàng bốc lên ở những ao hồ ven đường. Hằng hà sa số những bao tải, những đống lớn chồng bé xương trâu xương bò cứ “dàn hàng ngang” ở rìa đường, nằm chỏng chơ dưới mặt ao váng mỡ. Trước đây hệ thống ao hồ quanh làng này là nơi nuôi cá, sau một thời gian hứng chịu nước muối từ việc ướp da, rồi ngâm xương trâu, bò giờ cũng chỉ còn vài đám bèo tây sống sót. Từ đó, người làng quyết định “di dời” việc ngâm xương trâu, bò ra hệ thống ao hồ đầu làng ven quốc lộ, “tra tấn” khách qua đường!

Những “núi” xương nằm ven quốc lộ ấy đợi thời gian làm mục ruỗng hết thịt và tủy, khi còn trơ lại cái xương trắng, người dân tập trung lại rồi mang đến địa phương nào đó để “sản xuất” tiếp. Thấy chúng tôi ngó ngang ngó dọc, chụp ảnh này nọ, có người chua chát bảo: “Chúng tôi chịu thối, chịu bẩn thì các bác mới có thức ăn cho chăn nuôi, mới có cái trống mà đánh, có cái lược sừng mà chải tóc chứ…”. Ngẫm ra thì họ nói chẳng sai, bởi các phụ phẩm từ việc giết thịt trâu, bò như sừng, da, xương… đều được tận dụng “hết cỡ”. Thế nhưng, việc họ vô tình hay hữu ý “đầu độc” khiến ao hồ, ruộng đồng ô nhiễm đến mức tưởng chừng không thể xử lý nổi, hay để vùng không khí xung quanh “bức tử” chính đồng bào của mình mỗi khi họ đi ngang qua con đường này quả thực là một điều nhẫn tâm. Đau lòng hơn, dân làng Phúc Lâm và con cháu họ chính là những nạn nhân trực tiếp của sự ô nhiễm khủng khiếp này. Như thế chẳng là tự làm mình “chết dần chết mòn” trong cuộc kiếm tìm miếng cơm manh áo hay sao?

Từ năm 2003, Chính phủ đã đưa Phúc Lâm vào danh sách những làng nghề ô nhiễm nhất Việt Nam cần được xử lý triệt để. Tuy nhiên sau 10 năm nỗ lực tìm giải pháp và cố gắng giải quyết thì môi trường tại đây vẫn chưa được cải thiện. Người dân Phúc Lâm tiếp tục sống chung với ô nhiễm “ba bề bốn bên”, từ ô nhiễm nguồn nước đến bầu không khí… Đi “tham quan” trường Tiểu học Phúc Lâm, chúng tôi mới thấu nỗi khổ của thầy và trò ở ngôi trường này, khi bên ngoài cửa sổ lớp học không phải là cây xanh, hoa thắm mà là ao hồ đen kịt, phân trâu, bò đắp đống, hôi thối không sao tả xiết. Một người dân Phúc Lâm chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cải thiện môi trường cho các cháu, nhưng ao hồ cứ khơi, cứ nạo vét xong thì phân trâu, bò lại từ cống rãnh trong các xóm ùn ùn chảy tới…”.

Nói về tương lai của làng Phúc Lâm, ông Đỗ Văn Truật mong muốn sớm có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe người dân. Ông nói: “Nhà nước cần tạo điều kiện về kinh phí và cả về cơ chế. Chúng tôi cần mấy nghìn mét vuông đất, rồi đường giao thông, điện đóm… Nhưng dự án vẫn nằm trên giấy. Thực ra quỹ đất của chúng tôi còn rất nhiều, có thể xây dựng được khu giết mổ tập trung, “giải thoát” cho dân làng khỏi tình trạng khó khăn trên”.

Theo Đức Vân
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG