> Các bên sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN
Ngày 25/4 tại Brunei diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Tuyên bố Chủ tịch cũng khẳng định tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang trên đà phát triển thuận lợi với hơn 77% nội dung trong kế hoạch đã được thực hiện. Tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cuối năm, ASEAN-Trung Quốc đàm phán vấn đề biển Đông
Tuyên bố Chủ tịch có đoạn: “Chúng tôi tái khẳng định những cam kết chung trong khuôn khổ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm đảm bảo giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà không cần phải đe dọa hay sử dụng vũ lực, thay vào đó tự kiềm chế trong hành xử”.
Theo tuyên bố, các lãnh đạo mong muốn tiếp tục can dự với Trung Quốc trong việc thực thi DOC một cách đầy đủ và hiệu quả, thông qua các hoạt động và dự án hợp tác chung đã được hai bên nhất trí trước đó.
Hội nghị Cấp cao đã giao các bộ trưởng tích cực trao đổi với Trung Quốc nhằm sớm thúc đẩy đàm phán ASEAN-Trung Quốc về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, nhất là tranh thủ dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc năm 2013 Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, các ngoại trưởng ASEAN sẽ thảo luận để thống nhất quan điểm chung trước khi bắt đầu cuộc họp với Trung Quốc về vấn đề biển Đông vào cuối năm nay.
Vấn đề biển Đông phải được giải quyết giữa các nước có liên quan, song cần cân nhắc lợi ích của các bên, cũng như hòa bình và ổn định của khu vực, ông Lê Lương Minh tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22.
Ông Minh cũng nhấn mạnh ASEAN sẽ tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biển Đông với tư cách là một khối.
“Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng trong khu vực và thế giới. Do đó, an ninh hàng hải cần được bảo vệ. ASEAN luôn có thiện chí và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Chúng tôi đã làm điều này tại Hội nghị Tham vấn các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19. Chúng tôi cũng đã nhất trí tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào cuối năm nay”, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định.
Đẩy mạnh thương mại, đầu tư
Về kinh tế, Tuyên bố Chủ tịch nhận định, các nước ASEAN đã thực hiện được gần 77,6% nội dung trong kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy cạnh tranh nội khối thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư, coi đây là đòn bẩy tích cực cho tiến trình xây dựng AEC. Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN cho rằng, các nước thành viên vẫn cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu thành lập AEC vào năm 2015.
Trong Tuyên bố Chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hợp tác trong một số vấn đề an ninh của khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, kêu gọi tăng cường nỗ lực hơn nữa trong chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống lại những thách thức phi truyền thống đang ngày một gia tăng, chống nạn buôn người và giải quyết tình trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định ủng hộ hoàn toàn mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sớm nối lại vòng đàm phán sáu bên. Đồng thời, tái khẳng định cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Phát biểu với báo giới ngày 25/4, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: “Chúng tôi sẽ sát cánh và hỗ trợ Myanmar trong tiến trình hướng tới cải cách và hòa giải dân tộc như mong muốn của người dân nước này”. Ông Minh còn cam kết sẽ giúp đỡ Myanmar trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2014. |