> Buôn Lách Ló có tiền tỷ vẫn lo
Ra phố không có đất sản xuất
Người có uy tín nhất trong buôn Lách Ló, là nữ già làng H’Đrao Kmăl năm nay vừa tròn 70 tuổi, tên thường gọi là Đuôn Nái. Đuôn vui vẻ trải chiếu tiếp khách và giải thích: “Lách Ló” có nghĩa là hoang vắng, tên gọi từ xa xưa. Hiện cả buôn mới có 44 hộ, 178 người cả lớn lẫn nhỏ.
Do giao thông cách trở, số người được học hành ở Lách Ló chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lách Ló hiện chỉ có 1 lớp học chung 1 thầy từ vỡ lòng tới lớp hai, muốn học thêm nữa phải ra xã, ra huyện. Nhiều chữ nhất chỉ có Y Dương con trưởng thôn Y Vin đang học cao đẳng ngoài phố.
Đuôn Nái xác nhận chính bà nhiều lần khước từ đề nghị của cán bộ tỉnh, huyện, xã về việc thuyết phục các hộ dân trong buôn chịu rời rừng ra xã hay về huyện định cư. Đồng bào của mình đâu có trí khôn để buôn bán. Ra phố xài hết cái tiền của nhà nước rồi làm sao mà sống? Trong này còn chiêng ché, mồ mả ông bà, không bỏ buôn đi được!
Thôn trưởng Y Vin H’Druê (áo sẫm). Ảnh: HTN. |
Chào già làng, chúng tôi sang nhà thôn trưởng Y Vin H’Druê. Anh sinh năm 1967, tự nhận mình mới học hết lớp một. Anh kể: Cách đây mấy năm, cán bộ huyện đến bảo dời làng ra vùng Suối Ba thì nhà nước sẽ cho nhiều tiền. Bà con ra đó thấy không có đất sản xuất, lại kéo nhau về. Bây giờ cả buôn Lách Ló vẫn sống nhờ củ mì và ít lúa ruộng một vụ, nhiều hộ thiếu đói tới mấy tháng mỗi năm .
“Siêu dự án” lợi bất cập hại
Tháng 9/2009 UBND tỉnh Đắk Lắk ký quyết định phê duyệt dự án định canh định cư với tổng mức đầu tư 53,7 tỷ đồng cho buôn Lách Ló. Quy hoạch ban đầu lên đến 970,3 ha chủ yếu thuộc diện tích các phân khu nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka.
Duy có điều lạ, dù dự án lớn như thế nhưng Ban quản lý Rừng đặc dụng Nam Ka không hay được tham gia bàn bạc hay báo trước.
Vấp phải phản ứng nhiều phía, diện tích dự án được điều chỉnh nhiều lần. Năm 2011 tỉnh hoàn tất thủ tục cắt rừng giao cho buôn tổng cộng 102,8 ha. Đề phòng lâm tặc tranh thủ cơ hội móc nối mua đất, phá rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn phải xin lại một mảnh đất nhỏ ở rìa buôn để xây 1 căn nhà cấp bốn làm trạm gác rừng số 7.
Đáng chú ý, số đối tượng hưởng nguồn lợi trực tiếp từ dự án định cư Lách Ló so sánh giữa các báo cáo và thực tế rất khác nhau. Năm 2009, dự án thuyết minh định cư cho 61 hộ, 282 khẩu. Nhưng tới cuối tháng 3/2013, cả già làng lẫn buôn trưởng đều khẳng định nhờ tách hộ, sinh thêm con và nhận thêm một số hộ nơi khác chuyển về, tới nay Lách Ló mới có tổng cộng 44 hộ, 178 dân.
Gọi là “ siêu định cư”, bởi với quyết định được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009, tạm chấp nhận con số 61 hộ thụ hưởng như báo cáo, thì suất đầu tư duyệt bình quân mỗi hộ lên tới trên 880,3 triệu đồng, gấp mười lần so với dự án định canh định cư mà Thủ tướng cùng năm 2009 đã phê duyệt cho các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Bình Phước, chỉ được chi 1.674.997 triệu đồng cho 152 dự án nhằm sắp xếp ổn định 18.927 hộ dân. |