Trở lại Truông Bồn

Trở lại Truông Bồn
TP - “Ngày 30/4 hàng năm, chị em tôi lại rủ nhau về Mỹ Sơn viếng thăm các liệt sỹ Truông Bồn. Trận bom oan nghiệt ngày 31/10/1968 cướp đi sinh mạng 13 TNXP, mỗi lần về đây, tôi lại tìm thấy hơi ấm của đồng đội”, cựu TNXP Lê Thị Hường rưng rưng.

> Khánh thành Nhà bia tưởng niệm 16 TNXP hy sinh tại bến phà Long Đại
> Truông Bồn: Huyền thoại năm xưa hội ngộ sau 44 năm xa cách

Đường đến tượng đài chiến thắng Truông Bồn và khu mộ 13 liệt sỹ TNXP tại xã Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An) những ngày cuối tháng Tư rợp nắng vàng. Tại tượng đài, chúng tôi bắt gặp hàng chục đoàn khách thập phương trên đường thiên lý ghé qua Mỹ Sơn hương khói cho các liệt sỹ TNXP.

“Trong dịp nghỉ lễ, gia đình tôi có kế hoạch đi nghỉ ở biển, nhưng tôi quyết định phượt miền Trung du lịch tâm linh. Ba địa chỉ đỏ không thể bỏ qua trên hành trình là Truông Bồn (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) và hang Tám cô (Quảng Bình)”. Anh Nguyễn Văn Hồng, trú tại quận Hoàn Kiếm- Hà Nội cho biết.

Trước khi rời thị trấn Yên Thành về Mỹ Sơn, cựu chiến sỹ đại đội 317 TNXP Nghệ An Lê Thị Hường tìm chiếc mũ tai bèo thay nón lá, chiếc mũ mà mỗi năm 2 lần chị Hường đội lên đầu, khi có dịp về lại Truông Bồn.

“Không hiểu sao cứ mỗi lần đội nó lên đầu, tôi lại có cảm giác như mình đang…ra trận. Hình ảnh đồng đội và chiếc mũ tai bèo trên đầu, luôn chập chờn trong giấc ngủ!” - cựu TNXP Lê Thị Hường nói. Vừa bước chân vào khu mộ các liệt sỹ TNXP, chị Hường lặng đi vài giây. Ánh mắt chị trân trân nhìn vào nơi nghi ngút khói hương, rồi chị bỗng nhiên khuyu xuống, khóc òa.

Chúng tôi lặng yên. Cứ lặng yên nghe gió vít rừng thông và tiếng khóc như thấm sâu vào lòng đất. “Đang ơi! Doãn ơi! Các em ở đâu?”.

Bàn chân chị lần lần hướng về khu mộ. Một thời gian sau khi 13 TNXP đại đội 317 hy sinh, gia đình đưa các anh, các chị về quê an táng; có người được gia đình đưa vào nghĩa trang liệt sỹ huyện. Ngôi mộ chung gần dốc Kỳ Lợn (Truông Bồn) được xây cất ngay tại nơi 13 TNXP hy sinh, phía trên có mái che và xung quanh trồng hoa sim, hoa mua.

Trên diện tích hàng chục héc-ta, tỉnh Nghệ An đang cho thi công các hạng mục Di tích lịch sử Truông Bồn. Con đường từ Đô Lương dẫn tới Nam Đàn đi qua Truông Bồn cũng đã được Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An khởi công mở rộng, nâng cấp.

Chị Hường kể: “Hồi đó, chị em chúng tôi trọ trong nhà dân Mỹ Sơn, tôi chơi thân với Vũ Thị Hiên. Nhà Hiên ở đội 4, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. Hai chị em ở chung một nhà, cho đến ngày Hiên hy sinh…”.

Rồi chị bồi hồi nhớ lại gương mặt từng người: Hà Thị Đang, quê Hồng Thành (Yên Thành) nhỏ nhắn, khuôn mặt đẹp nhất đại đội 317; Hoàng Thị Nhung xóm Tây Phúc (Lăng Thành) có mái tóc dài óng ả; Tiểu đội trưởng phá bom Nguyễn Tâm Cớn tính tình hồn nhiên nhưng gan lỳ, quả cảm, từng bao lần vào sinh ra tử ở trận địa bom từ trường, hiện đang sinh sống tại xã Liên Thành (huyện Yên Thành); Anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm hy sinh khi hai người vừa đính hôn, họ ra đi mang theo mối tình thầm lặng…

Chị Hường bảo: “Ta về Yên Thành tìm mộ Doãn, tìm mộ Hiên nhé!”. Chúng tôi rời Truông Bồn lúc chiều chạng vạng. Cựu TNXP Truông Bồn Lê Thị Hường năm nay bước sang tuổi 67, lên tuổi bà nhưng chưa từng một lần làm mẹ. “Tôi bám trụ Truông Bồn đến năm 1970, xuất ngũ rồi đi học Trung cấp Thủy lợi, sau đó làm thủ kho tại Trạm thí nghiệm cây đặc sản Quỳnh Lưu”. Tuổi xuân đi theo những năm tháng chiến tranh, trở về với ruộng đồng, chị chẳng thể tìm cho mình một mái ấm để nương tựa khi bóng xế tuổi già. “Dù sao, tôi cũng là người may mắn!”, chị Hường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.