> Vãn cảnh Tràng An – Bái Đính
> Ngôi mộ người Việt cổ niên đại nghìn năm
Sắc sảo và độc đáo
Khoảng 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên chiếc thuyền lá, đi qua chín cửa hang, trèo qua ngọn núi dựng đứng chừng 100 mét, chúng tôi tới được đền Trần.
Vừa đáp chân tới đền, chúng tôi gặp ông Trần Chu Thanh, quê ở xóm Đông (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình), hiện là người trông coi ngôi đền cho biết: Sử sách chép rằng, ngôi đền này được xây dựng từ năm 968, tức là sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Nơi đây thờ một vị tướng từ thời vua Hùng Vương thứ 18, tước hiệu là Thánh Quý Minh Đại vương, tên húy là Nguyễn Hiển, em song sinh với Nguyễn Sùng (thờ tại đền Và ở Sơn Tây).
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đền này đã có tuổi 1.035 năm, nhưng nếu tính từ thời nhà Trần tiến hành tu sửa thì đến nay, ngôi đền có tuổi thọ 755 năm. Lễ hội đền Trần ở Ninh Bình diễn ra vào ngày 18/3 âm lịch hàng năm. |
Theo truyền thuyết, Thánh Quý Minh Đại vương là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức Thánh Tản Viên, Đức Thánh Cao Sơn, Đức Thánh Quý Minh). Vị này có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18). Đền được vua Đinh xây dựng cùng 3 ngôi đền khác, với mong muốn mượn uy danh của Thánh Quý Minh để trấn trạch 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Đến năm 1228, vua Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông qua đây, người thấy ngôi đền bằng gỗ đã mục nát nên tiến hành tu sửa lại ngôi đền, vật liệu chủ yếu bằng đá, vì thế mới đổi tên là đền Trần. Sau khi dẹp quân Mông xâm lược (năm 1258), vua Trần Thái Tông đã vào đây tu hành.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đền này đã có tuổi 1.035 năm, nhưng nếu tính từ thời nhà Trần tiến hành tu sửa thì đến nay, ngôi đền cũng ngót 755 năm.
Các chi tiết tinh xảo được điêu khắc trên cột đá tại đền Trần. Ảnh: Minh Đức. |
Ông Thanh cho biết, hiện nay ngôi đền vẫn giữ được 12 cột đá, toàn bộ dầm, xà, ngưỡng cửa, ngạch, mái trên đều bằng đá. Người xưa đã tạc, đẽo toàn bộ hoa văn này từ đá xanh nguyên khối, lấy tại núi Nhồi (Thanh Hóa). Các mô típ hoa văn gồm bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng), đặc biệt là “ông phượng” hiện vẫn đang trú ngụ thành bầy đàn ở khu vực này.
“Người xưa xây dựng ngôi đền là hoàn toàn từ tâm đức, trí tuệ, thế nên các hoa văn, chi tiết chạm trổ đều rất mềm mại, sống động, bay bổng, thể hiện sự tinh xảo và trình độ tuyệt kỹ của các nghệ nhân”, ông Thanh nói.
Vừa nói, ông Thanh vừa chỉ cho chúng tôi xem các hoa văn trên cột đá và giới thiệu tỉ mỉ như một chuyên gia: Ví dụ, ở cột thứ nhất bên phải đền có tạc hình ảnh “ông phượng” bay cao, bay xa, là biểu tượng cho thế thượng võ; miệng tung dải lụa đào và quyến thư, là biểu tượng cho thế thượng văn. Có thể hiểu cột này mang ý nghĩa “văn võ song toàn”, cầu công danh sự nghiệp.
Ở cột thứ hai, tuy “ông phượng” này nhỏ hơn, nhưng lại bay cao, bay xa, bay lên chín tầng mây, trên lưng điểm lại một áng mây hồng, mỏ cong, mắt sáng, miệng lại ngậm dải lụa đào và quyến thư biểu tượng cho lời ăn tiếng nói. Bên dưới là hình ảnh con rồng, đại diện cho quyền lực. Ly là đại diện cho sức mạnh. Còn quy đại diện cho sự trường tồn.
Chúng ta thấy ở đây là một tổng thể hòa quyện vô cùng mềm mại: rồng dáng hạ hút nước, ông rùa từ trong đầm sen ló ra, cá chép nở mình hóa long, cũng nhao theo dòng nước đi lên. Vì vậy người xưa mới có câu thơ: Mồng 5 cá đi ăn thề/Mồng 8 cá về cá vượt vũ môn. Câu thơ này cũng là điểm lại theo tích ngày 8/4 “Bụt sinh Bụt nở”, cũng là ý nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng.
“Ở cột thứ ba, đây chưa hẳn là một tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ, có thể thấy tuy “ông phượng” không lớn, nhưng được mô tả rất rõ nét. Hai cánh dang rộng, đầu ngẩng cao, đôi chân nhỏ chắc, thể hiện ý tứ “đầu đội trời, chân đạp đất”, tình nghĩa vua - tôi kết hợp thành một sức mạnh vô địch. Khi con người có đủ tiền tài sự nghiệp, đường công danh như ý, có sức khỏe thì sẽ đi tìm đến chân lý của cuộc sống. Điều này thể hiện rõ hơn ở cột thứ 4, là cột tinh túy hơn tất cả”, ông Thanh nói.
Ở cột này còn có hình ảnh dòng nước dáng hạ, ông rùa từ trong đầm sen ló ra, cá rô (chứ không phải cá chép) nở mình hóa rồng theo dòng nước đi lên, vì thế mà cổ nhân xưa đã lưu lại nơi đây câu ca dao cổ: “Dập dìu cánh hạc chơi vơi/Tiễn thuyền vua Lý đang rời kinh đô/Khi đi nhớ cậu cùng cô/Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”. Loài cá tiến vua ấy nhiều người được nghe kể, nhưng không phải ai cũng biết, cũng được ăn.
Câu chuyện về vụng Thắm
Rời đền Trần, ông Thanh chỉ về cánh rừng nguyên sinh phía trước và cho biết: Khu rừng này rộng 54 héc-ta, là căn cứ địa của triều Đinh xưa kia. Theo lịch sử để lại, sau khi lên ngôi vào ngày 10/3/968, vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, nhưng rất tiếc là vua Đinh chỉ tại vị được 12 năm.
Theo truyền thuyết đến 15/8/979, tên tiểu nhân gian thần Đỗ Thích đã dùng thuốc độc sát hại vua Đinh và con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lúc bấy giờ hậu cung trở thành loạn cung.
Tướng Phạm Bạch Hổ, một người trung thành với triều đình nhà Đinh đã mang hơn 1.000 quân về cánh rừng này ẩn dật với mục đích khôi phục lại binh mã, lương thảo, sau đó sẽ phục lại vị thế cho triều Đinh.
Tuy nhiên, nơi đây rừng sâu, quân yếu, lương mỏng, địch vây giáp 4 mặt, hai bên giao tranh quyết liệt, quân của Phạm Bạch Hổ không cầm cự được lâu và 1.000 quân sĩ đều thiệt mạng. Máu chảy ngập thung lũng, thế nên vụng nước quanh đền được gọi là vụng Thắm (vũng máu), ngôi đền cũng mang tên đền Thắm.
“Quân lính thiệt mạng, mỗi một nấm mồ, người ta đều cắm một cành si, vì vậy, 54ha rừng nguyên sinh này chủ yếu là si. Về sau, khi vua Trần Cảnh qua đây, người đọc trên bức đại tự thấy đề tên đền là vũng Thắm nên đã cho tu sửa và đổi tên thành đền Trần, để sau này lịch sử sẽ không còn lưu lại cái tên vũng Thắm đau thương nữa... Điều lạ lùng là những cây si do người dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, dính chặt vào nhau, thành một cánh rừng rậm rạp như ngày nay”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, câu chuyện này chỉ là truyền thuyết, được ghi lại ở đền Trần.