Tộc người sống nhờ củ mài

Tộc người sống nhờ củ mài
Quen với du canh du cư, người La Hủ ở bản Là Si (Lai Châu) chủ yếu sống nhờ săn bắt, hái lượm trong rừng. Ban ngày họ đào củ nâu, củ mài, hái quả ăn, tối tìm hang đá hay túp lều trú ngụ.

Tộc người sống nhờ củ mài

Quen với du canh du cư, người La Hủ ở bản Là Si (Lai Châu) chủ yếu sống nhờ săn bắt, hái lượm trong rừng. Ban ngày họ đào củ nâu, củ mài, hái quả ăn, tối tìm hang đá hay túp lều trú ngụ.

Muốn gặp người La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) chỉ có cách duy nhất là đi bộ nửa ngày xuyên qua những tán rừng rậm rạp. Ở giữa rừng sâu núi thẳm, tách biệt hoàn toàn với xã hội và chưa bao giờ có ý niệm về pháp luật, từ bao đời nay người La Hủ có tập tính du canh, du cư.

Không có cơm ăn, trẻ em phải lên rừng đào củ mài về nướng ăn cho đỡ đói. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Không có cơm ăn, trẻ em phải lên rừng đào củ mài về nướng ăn cho đỡ đói. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
 

Đến mỗi vùng đất mới, họ tự dựng một chiếc lều mái lá tạm bợ rộng 3-4 m2 hoặc tìm hang đá để trú ngụ. Tối, cả gia đình (kể cả con dâu) ngủ chung một chiếc giường, còn ban ngày đào củ nâu, củ mài, hái quả ăn. Khoảng một tuần sau, khi lá (thường là lá chuối rừng) che mưa nắng của lều úa vàng cũng là lúc họ vơ vét đồ đạc di chuyển đến nơi khác.

Đời sống khắc khổ, đói rét, bệnh tật và lạc hậu là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ chết trẻ của người La Hủ tăng vọt. Trước nguy cơ suy kiệt giống nòi, chính quyền đã đề ra chương trình bảo tồn và phát triển người La Hủ ở Mường Tè.

Những ngày tháng 4, bao trùm lên bản Là Si là không khí hoang tàn, vắng lặng. Người lớn không thấy, chỉ còn lại hơn chục đứa trẻ lít nhít, áo quần rách rưới, mặt mày đen đúa, da dẻ cáu bẩn đang lăn lê bò toài trên nền đất. Thấy có người lạ tới, chúng bảo nhau lẩn vào chỗ khuất. Khách càng tiến lại gần, chúng càng lùi xa hơn.

Vì cửa bị hỏng nên nền nhà của anh Pờ Pó Hừ (40 tuổi) bị trâu phóng uế 4-5 đống phân, ruồi nhặng bay vo ve, chưa đến cửa đã ngửi thấy mùi hôi thối. Ngay cạnh đó là nhà của anh Lỳ Nhu Hừ, tường gỗ đã bị gãy vài tấm ván, một con bê có thể chui lọt, trước cửa cỏ dại mọc um tùm.

Ngay đến nhà của công an viên Lỳ Phì Po (64 tuổi) cũng luôn trong tình trạng kín cửa. Thầy giáo cắm bản Sừng Phì Che tâm sự: “Tôi vào đây dạy học từ ngày 26/8/2012, tính đến nay đã được hơn 6 tháng, thế nhưng mới thấy ông Po về nhà 2 lần, mỗi lần về chỉ 1-2 ngày”.

Giống như công an viên Lỳ Phì Po, vợ chồng trưởng bản Lỳ Mò Giá cũng bỏ bản sống biền biệt ngoài rừng, để lại 4 đứa con ở nhà, nửa tháng mới về thăm một lần. Con gái cả của ông Giá là Lỳ Gió Pa (15 tuổi) cùng 3 đứa em Lỳ Lỳ Mư (6 tuổi), Lỳ Hà Pứ (4 tuổi) và Lỳ Mụ Xá (2 tuổi) ngồi thu lu dưới nền đất trước bếp củi nấu nồi cháo lõng bõng nước, đứa nào cũng gầy nhom, đen nhẻm. Chỗ ngủ của chúng được ghép lại bằng đủ vật liệu, từ gỗ đến phên tre.

Lều của gia đình anh Lỳ Nhu Hừ ở trong rừng cao chỉ đến cổ người đàn ông trưởng thành. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Lều của gia đình anh Lỳ Nhu Hừ ở trong rừng cao chỉ đến cổ người đàn ông trưởng thành. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
 

Trong rừng, nơi ở của gia đình anh Lỳ Nhu Hừ (cách bản Là Si hơn 3 km) là căn lều bé tí tẹo, rộng khoảng 5 m2, mái lợp bằng tôn mỏng nên nóng hầm hập, nóc chỉ cao đến cổ người lớn. Trong lều chỉ kê một tấm dát giường sát đất làm chỗ ngủ. Ngay kế bên là một bếp củi đang đun nước, khói bay mù mịt. Ngoài một cái nong và 2 chiếc can đựng nước thì không có gì đáng giá.

Nghe khách hỏi "Ở đây nắng nóng thế sao không về nhà ở?", anh Hừ bảo: "Tí nữa cả nhà ra khe suối tránh nóng, tiện thể lấy chuối ăn luôn, đến chiều tối mát lại về đây ở. Về bản không có gì ăn, đói lắm". Khách hỏi tiếp: "Bộ đội biên phòng đã khai hoang ruộng cho gia đình rồi, sao không trồng lúa lấy cái ăn?". "Ồ, người mình không quen làm ruộng, vất vả và lâu được ăn lắm", anh Hừ trả lời.

Cũng vì cái đói lay lắt mà có nhiều thời điểm, ngoài 3 giáo viên và 2 bộ đội biên phòng, cả bản Là Si không một bóng người. Thầy Chu Lò Phạ, 40 tuổi, là giáo viên tiểu học cắm bản, buồn rầu kể cứ đói là người lớn lại dẫn con vào rừng tìm đồ ăn. Nhà trường giao cho giáo viên dạy học, nhưng có hôm không học sinh nào đến lớp. Học đến lớp 3 rồi nhưng nhiều em vẫn chưa thuộc hết mặt chữ cái.

"Cả bản không ai nói được tiếng phổ thông nên mọi sự giao tiếp phải truyền đạt qua tiếng La Hủ. Mỗi tháng vài lần tôi cùng thầy Che và thầy Giá (giáo viên mầm non) đi vận động dân bản đưa con em của họ về học, nhưng cứ đến gần lều, thấy tiếng chó sủa là bố mẹ lại giấu tiệt con, thế là công leo bộ cả ngày đường bằng không. Đau lắm!”, thầy Phạ chia sẻ.

Lớp học 1 thầy, 1 trò. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Lớp học 1 thầy, 1 trò. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
 

Chủ tịch xã Chu Xé Lù cho biết, trước đây người La Hủ sống gần như không có tổ chức. Khi lập bản mới chính quyền xã phải cử thầy mo (ông Lỳ Mò Giá) làm trưởng bản vì dân tộc này cực kỳ mê tín. Các tổ chức hội đã bắt đầu hình thành nhưng chưa có hiệu quả.

Ở đây, sự lao động của người Là Si (làm nương) chỉ đủ ăn khoảng 1-2 tháng, cộng thêm 3 tháng Nhà nước trợ cấp gạo cứu đói. Còn lại 70% dựa vào việc khai thác sản vật tự nhiên. Tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn còn gay gắt, anh em 2 đời đã lấy nhau là chuyện thường. Trai gái thích nhau cứ thế về nhà ở mà không cần đám cưới vì quá đói nghèo.

Còn thiếu uý Đỗ Tuất Nhâm (31 tuổi) ở đồn biên phòng bản Là Si, phụ trách việc khám chữa bệnh, cho biết trẻ con ở đây mới sinh ra đã quen với điều kiện sống khắc khổ nên sức đề kháng rất tốt, thỉnh thoảng chỉ mắc bệnh thông thường như cảm cúm, xổ mũi, nhức đầu. Tuy nhiên, hầu như đứa nào cũng thiếu dinh dưỡng bởi tất cả đều đói ăn.

Đêm. Bản Là Si thường vang lên những tiếng khóc não nề của trẻ nhỏ. Thiếu uý Nhâm giải thích bọn trẻ đói quá nên quấy khóc đấy! Còn thầy Sừng Phì Che thì nói: "Trẻ em ở đây có cháo loãng ăn là tốt lắm rồi. Gạo đấy là Nhà nước cứu đói, hết gạo thì ăn sắn nương. Hết sắn, có những đứa trẻ mới 6 tuổi đã phải cầm cuốc, thuổng vào rừng đào củ nâu, củ mài về nướng. Tìm không thấy củ nâu, củ mài thì ăn thân cây, dễ cây rừng, miễn sao có cái bỏ bụng để sống".

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG