Ba thế hệ sống trong ‘hộp diêm’ 2,2m2

Ba thế hệ sống trong ‘hộp diêm’ 2,2m2
Tôi đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến cả ba thế hệ gồm 8 con người cùng chui rúc trong một căn nhà, chính xác hơn là cái “hộp diêm” với diện tích nền 2,2m2!

Ba thế hệ sống trong ‘hộp diêm’ 2,2m2

> Hà Nội có 252 nhà siêu mỏng, siêu méo chưa xử lý

> ‘Xử’ nhà ‘siêu mỏng, méo’ trong quý 1-2013 

Tôi đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến cả ba thế hệ gồm 8 con người cùng chui rúc trong một căn nhà, chính xác hơn là cái “hộp diêm” với diện tích nền 2,2m2!

Dù rằng Sài Gòn đất chật người đông, nên chẳng lạ gì chuyện khối người không có nhà phải tận dụng gầm cầu, vỉa hè, buồng ATM để ăn, ngủ, học hành...

“Hộp diêm” thẳng đứng

Nhà của chị Nguyễn Thị Dung nằm giữa trung tâm TP.Hồ Chí Minh, số 360/98A đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Đây có lẽ là ngôi nhà đạt kỷ lục nhỏ nhất thành phố, nằm lọt thỏm quanh những ngôi nhà cao tầng. Với diện tích quá khiêm tốn, dài 2,2m, rộng 1m và chứa trong đó đồ đạc của 8 nhân khẩu nên căn nhà dường như không có chỗ cho không khí luồn vào. Cộng với một buổi trưa cuối tháng 3, khi Sài Gòn bước vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ có khi lên 37 độ C, không khí lúc nào cũng hầm hập, bức bối nên vừa bước vào căn nhà chị Dung là tôi đã có cảm giác ngộp thở.

Con chị Dung “chen chúc” trong căn nhà của mình
Con chị Dung “chen chúc” trong căn nhà của mình.
 

Bên ngoài nhìn vào nhà chị giống như một cái hộp diêm dựng đứng, nhìn ngang, nhìn dọc đều... dẹp lép, cái gì cũng mỏng, cũng nhỏ, cũng tội nghiệp. Cũng có cửa để ra vào nhưng người đi phải nghiêng mình mới lọt, một cái cửa sổ đủ để người trong nhà thò đầu ra ngoài. Cửa chính, cửa sổ đã chiếm hết “mặt tiền” của căn nhà. Cái tivi màu vẫn thường dở chứng khi có chương trình hay là tài sản quý nhất của 3 thế hệ nhà chị Dung. Kế đến là một nồi cơm điện, bóng đèn, cái quạt chạy vù vù, kêu réo ầm ĩ, luôn phải làm việc hết công suất trong những ngày nắng nóng như hôm nay... được xem là những thứ có giá trị trong căn nhà.

Một góc nhà là nơi thờ cúng ông bà, quây quanh là đủ thứ các loại giá đỡ để treo đồ. Chị Dung bảo không dám sắm cái tủ, cái bàn gì hết, ưu tiên cái gì mỏng, nhẹ dễ treo. Áo quần của mấy đứa con cho vào túi nylon rồi đánh dấu hoặc ghi tên vào cho dễ tìm, treo lên như vậy mới gọn được.

Khó khăn lắm chị Dung mới dọn được một chỗ mời khách ngồi. “Em thông cảm nha, nhà chật quá, lại đông người, chứa áo quần với chăn màn cho 8 người đã hết chỗ” - chị Dung vừa thanh minh vừa đưa tay giữ những cái túi nylon để không rơi xuống đầu tôi. Tôi co người, xếp hai chân lại, cúi đầu để không đụng phải ổ điện và tránh cái quạt đang chạy ầm ầm một cách hung hãn. Theo lời chị Dung, trước khi anh trai chị liều cất căn nhà này thì đây vốn là cái sàn nước của những hộ dân sống xung quanh, trong đó có cả nhà của bà ngoại chị. Sau khi bà ngoại bán căn nhà, phần của mẹ chị là cái sàn nước còn “sót” lại nên nhà không có sổ hồng, sổ đỏ gì cả, cũng chẳng ai tranh chấp, giành đất.

Anh trai chị chỉ tốn gạch xây 2 bức vách, 2 vách còn lại “xài ké” của 2 nhà bên cạnh. Ban đầu chỉ có một tầng, lợp tôn nhưng sau khi chị lấy chồng, những đứa trẻ lần lượt ra đời thì cái “hộp diêm” được “lên đời”, cơi nới thêm một “lầu”, có cầu thang lên xuống. “Mùa mưa vừa rồi gỗ bị mục, nhà dột tùm lum nên UBND phường 5, quận 3 có hỗ trợ sửa nhà. Phường cho sắt làm cầu thang, làm lại cái gác, xây lại tường, lợp lại mái nên đã có vẻ chắc chắn. Tính cả 2 tầng, tổng diện tích sử dụng cũng được 4,4m2 đó chớ” - chị Dung phân trần.

35 năm ngủ không… “thẳng cẳng”

4,4m2 là chỗ trú ngụ của 3 thế hệ, 8 người trong gia đình chị Dung. Mẹ chị, chị và 6 đứa con, đứa lớn nhất đã 17 tuổi. Vì nỗi nhà chật, chị gửi 2 đứa con đi ở nhà người quen, 4 đứa nhỏ, một đứa 15 tuổi, đứa 11, đứa lên 7, đứa lên 5 chưa có chỗ gửi nên được ở nhà.

“Ban ngày, bà cháu, mẹ con tản đi kiếm ăn, mấy đứa nhỏ đi học, ban đêm sắp xếp chỗ ngủ mới cực thôi. Đứa nhỏ xen kẽ đứa lớn, quay đầu lại để tiết kiệm chỗ. Trên gác là chỗ của bà ngoại và đứa lớn nhất. Hôm nào trời mưa gió thì tôi ngủ với 3 đứa nhỏ, đầu gác lên đống đồ, chân thọc vào trong nhà vệ sinh. Hôm nào đẹp trời tôi vác cái giường bố ra ngoài hẻm ngủ.

Ngủ ngoài hẻm dù bị muỗi cắn nhưng được cái thoải mái, chân cẳng duỗi thẳng đã đời. Mang tiếng ngủ trong nhà nhưng không đau cổ thì cũng đau chân, nửa đêm mấy đứa nhỏ đi vệ sinh, ngái ngủ giẫm lên chân. Đau điếng. 35 năm ngủ trong nhà, chưa bao giờ được ngủ thẳng cẳng”. Vừa nói chị vừa đưa hai cánh tay chi chít những đốm đỏ, vết thâm mới cũ vì muỗi đốt cho tôi xem.

Nhắc đến nhà vệ sinh, chị Dung giới thiệu luôn: “Nhà vệ sinh, nhà tắm đây. Em có muốn sử dụng thì nói nhé, để chị và mấy đứa nhỏ đi ra ngoài”. Chị và mấy đứa nhỏ phải đi ra ngoài vì nhà vệ sinh và căn nhà chung một cửa.

Chị kể, mỗi khi trong nhà có người muốn “giải quyết nỗi buồn” hoặc tắm táp thì các thành viên còn lại phải “sơ tán” ra ngoài, mỗi khi nhà có khách thì ai “buồn” cũng phải chịu, khách có “buồn” thì chỉ nước xin về sớm dù chưa xong câu chuyện.

Tôi nhìn quanh, không thấy bếp núc đâu cả. Trả lời thắc mắc của tôi chị chỉ ra góc hẻm cạnh nhà, ở đấy là một cái bếp than “dã chiến” cùng soong chảo lem nhem nhọ nồi. “Mỗi khi nấu cơm có người đi qua thì mình phải đứng lên, nép qua một bên nhường đường, nấu ăn phải gọn gàng, để lấn ra đường người ta không thấy giẫm phải là mất ăn. Nhưng được cái mỗi ngày chỉ nấu một bữa cơm tối, bữa trưa cả nhà đi ăn cơm từ thiện, có 2.000 đồng một đĩa, ăn no mà ăn ngon”.

Chị kể: “May còn có chỗ đặt cái bếp dã chiến bên ngoài, chứ nhà chật cứng thế này, nấu bếp than bên trong, rủi cháy một phát thì chết. Nhưng mỗi khi trời mưa thì bó tay, cả nhà bó gối nhìn nhau ăn mì tôm cho qua bữa”.

Đang ngồi nói chuyện, chị nhắc 3 đứa Thế Trung, Thế Bảo, Ngọc Bảo đi ăn cơm bởi quá 13h thì quán cơm từ thiện hết cơm hoặc đóng cửa. Cả 3 đứa được đi học ở trường Ánh Sáng, quận 3, không phải đóng học phí, được hỗ trợ sách vở, đồng phục. Chào tôi đi ăn cơm, cậu nhóc Thế Trung đang học lớp 5 nhoẻn miệng cười: “Tụi con đi ăn cơm sớm, về còn học bài. Nhà con chỉ học bài được ban ngày thôi, ban đêm không có chỗ, một cái bóng đèn không đủ sáng, kê cái bàn thì em Bảo Ngọc không có chỗ ngủ. Tụi con ở vầy cũng quen rồi nhưng nếu được chỗ ngủ rộng rãi thì vẫn tốt hơn cô nhỉ, duỗi thẳng chân, lăn lộn cho đã”. Nói đoạn, 3 anh em dẫn nhau đi ăn cơm, chúng chạy thật nhanh ra đường như thể vừa được sổ lồng...


Chủ tịch phường: Vẫn ở bình thường!

Trao đổi với chúng tôi về chuyện căn nhà 2,2m2 của chị Nguyễn Thị Dung, ông Lê Thành Quốc - Chủ tịch UBND phường 5, quận 3 - cho biết, năm ngoái Mặt trận Tổ quốc của phường đã hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà để đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Về việc căn nhà không có sổ hồng, sổ đỏ và tồn tại giữa thành phố mấy chục năm qua, ông Quốc cho rằng, ngay lúc gia đình chị Dung cất căn nhà đã không có tranh chấp, khiếu nại, hiện căn nhà cũng không nằm trong diện giải tỏa, quy hoạch thì gia đình chị Dung vẫn ở bình thường. Để được cấp giấy tờ, chị Dung cứ làm hồ sơ, ghi rõ nguồn gốc tạo lập căn nhà, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của quận sẽ kiểm tra nếu hợp pháp sẽ cấp quyền sử dụng đất cho gia đình chị.

Sở Xây dựng: Không được cấp phép


Nhiều lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM đã... hoảng hốt hỏi “ở đâu có cái nhà nhỏ quá trời như vậy”? khi tôi thông tin về ngôi nhà chỉ... 2,2m2 ở quận Phú Nhuận. Mặc dù đã xem ảnh chụp của tôi, nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi và khẳng định: “Diện tích đất 2,2m2 thì không bao giờ được cấp phép xây dựng”. Ông Tống Đức Tiến - Phó Phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM - dẫn luật: “Theo quyết định về “Ban hành quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh” số 135 /2007/QĐ-UBND “Nếu lô đất có diện tích dưới 15m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3,0m: Chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng; không được xây dựng mới”.

Tôi đặt câu hỏi: “Vậy nhà sập thì sao? Không cấp phép thì người ta ra đường? Ông Tiến trả lời: “Luật chưa có quy định nhưng nếu chủ nhà làm đơn gửi lên Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tùy tình hình mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ có kiến nghị lên UBND TP có hướng giải quyết”. Cũng theo ông Tiến, nhà có diện tích dưới 15m2 chủ yếu ở các quận nội thành, nhưng số lượng bao nhiêu thì Sở Xây dựng không nắm hết, nó thuộc quản lý của từng quận, huyện”.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.