Đề xuất mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

Đề xuất mở rộng bảo hiểm thất nghiệp
TP - Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/4, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội tán thành Tờ trình Chính phủ ban hành Luật Việc làm nhằm góp phần phát triển đồng bộ thị trường lao động. Dự luật đề xuất mở rộng phạm vi và đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

> Triệu phú Mỹ xếp hàng nhận trợ cấp thất nghiệp
> Bảo hiểm thất nghiệp đang bị lợi dụng

Dự thảo Luật Việc làm dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về Luật Việc làm. Cơ quan thẩm tra cho rằng, sắp xếp theo hướng này hợp lý hơn

Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập hợp lý và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trong tương lai, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí – tử tuất, là chính sách bảo hiểm xã hội dài hạn. Nội dung quy định bảo hiểm thất nghiệp sẽ bổ sung, mở rộng thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động trong thời gian đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm thực hiện chính sách phòng ngừa rủi ro cho người lao động (Điều 33); mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động.

“Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết, nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển” – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần có đánh giá tác động tài chính đối với mục tiêu cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội do việc bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động trong thời gian đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Qua 4 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc tổ chức thực hiện chế độ hỗ trợ học nghề đạt kết quả còn hạn chế (chiếm khoảng 1% tổng số lao động
thất nghiệp).

Ngoài ra, dự thảo luật cần xây dựng các tiêu chí mang tính nguyên tắc đối với mô hình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giao cho Chính phủ quy định cụ thể. “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang trong thời kỳ đầu, nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống”, cơ quan thẩm tra kiến nghị.

Tránh chồng chéo

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về hai dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Hiện mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn 67,2% lao động không có quan hệ lao động. Cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội về việc làm ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt hơn, chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu kiến nghị, ban soạn thảo cần tính toán thật kỹ, bởi luật này sẽ tác động rất lớn đến xã hội.

Sự tác động đến tâm lý xã hội là tốt, nhưng cần nghiên cứu xem nó có tác động như thế nào tới quản lý nhà nước; về tài chính, phải xem nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay có sức chịu đựng ra sao? Một số ý kiến cho rằng, các quy định cần tránh sự trùng lặp với các luật khác như Luật Dạy nghề, Luật Lao động.

Ví dụ, việc thành lập các trung tâm việc làm cũng dễ dẫn đến việc trùng lặp với những đơn vị khác, như các trung tâm đào tạo việc làm tại các địa phương hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự thảo còn khá nhiều quy định chung chung, cần quy định cụ thể, không nên bê nghị quyết vào luật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG