> Học bổng cho 2 học sinh giàu nghị lực
> Một cân cà phê Việt = một ly cà phê ngoại
Phu cà phê thành chủ đồn điền
Ông Hồ Hoàng (SN 1903, quê ở Quảng Nam), là một trong những người đầu tiên nhận ra giá trị, tiềm năng to lớn của cây cà phê trên cao nguyên bazan. Trải qua gần 4 đời, con cháu họ Hồ của ông vẫn theo nghiệp với cây cà phê. Nay ông Hồ Hoàng Yến - người được nhắn gửi trong bức thư cũng đã qua cái tuổi 80 (trú ở tổ 5, khối 7, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Năm 1929, Hồ Hoàng rời quê Quảng Nam lên Đắk Lắk làm phu cho đồn điền cà phê Cada (nay là Di tích lịch sử quốc gia, ở huyện Krông Pắk) của người Pháp.
Từ đầu những năm 50, ông không làm phu cho người Pháp mà bắt đầu khai hoang gầy dựng cơ nghiệp riêng, mở rộng đồn điền trồng 20 mẫu trồng cà phê. Ông Yến kể: “Thời điểm đó, để trồng lên được cây cà phê là không hề đơn giản bởi không tìm đâu ra giống, vào đồn điền lượm hạt thì sẽ mang tội ăn cắp. Ba tôi phải vào rừng quanh khu vực đồn để lượm hạt cà phê do chồn ăn thải ra, nếu có cây nào mọc lên thì nhổ về trồng”.
Ngày 8/3/1953, sau khi có được thành quả bước đầu, ông Hoàng đã chụp bức ảnh hai tay cầm 2 cành cà phê trĩu quả và kèm lời nhắn nhủ sau tấm hình gửi con trai đang đi học ở Sài Gòn để giục con về cùng phát triển kinh tế.
“Hồi đó, tôi đi làm công nhân cho đồn điền cà phê, thấy tôi lanh lợi nên người Pháp đưa về Sài Gòn học cơ khí. Về dưới đó, đời sống thoải mái nên tôi không muốn về lại Đắk Lắk. Ở nhà, ba tôi trồng cà phê ra trái nên chụp hình kêu gọi tôi về cùng làm bởi thấy giá trị, tiềm năng to lớn từ cà phê. Ba tôi bảo: “Ba có 5 giọt máu, con ở dưới đó không về ba mất đi một giọt”, cầm lòng không đậu nên tôi phải về”, ông Yến kể lại.
Không chỉ mở đồn điền phát triển kinh tế, ông Hoàng còn âm thầm theo cách mạng, chu cấp lương thực trong thời kỳ chống Pháp ở Đắk Lắk. Ông Hoàng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhì.
Một đời chung thủy với cà phê
Sau khi ông Yến về Đắk Lắk, cha con ông cùng nhau mở rộng đồn điền, nhận lao động địa phương vào làm việc. Từ vai phu cà phê, ông Hoàng trở thành chủ đồn điền với khối tài sản đồ sộ. Sau đó, ông Yến xin cha ra làm ăn riêng, ông lên km12 dọc QL26 để mở đồn điền cà phê với diện tích 30 mẫu. “Thấy làm giàu từ cà phê, từ sức lực của mình dễ dàng quá nên tôi ham lắm, từ sáng đã ra vườn đến tối mịt mới về. Để mở rộng sản xuất, tôi mang theo 130 nghìn đồng về Sài Gòn mua chiếc máy cày lên làm để tăng năng suất, ông Yến cho biết.
Ông Yến cho biết: “Từ năm 1977, sau khi tham gia chủ trương cải tạo nông nghiệp, vận động tập trung xây dựng nông trường xã hội chủ nghĩa ông chuyển sang làm công nhân kỹ thuật nông trường cà phê Cư Pul, rồi lên làm giám đốc, mở rộng nông trường lên 350ha, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ba buôn lân cận. Năm 1992, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã vào thăm, kêu gọi các nông trường khác “nên về Cư Pul để học hỏi chứ không cần đi đâu xa”. Ông Yến cũng từng làm việc ở HĐND, Ủy viên UBMTTQ tỉnh Đắk Lắk.
Giờ đã ở tuổi 80, vợ chồng ông vẫn vui vầy với cà phê, vườn tược giao cho con cháu chăm nom. Hàng sáng, vợ chồng ông tự xay, pha ly cà phê nguyên chất để thưởng thức hương vị thơm ngon. Ông mời: “Nếu muốn uống cà phê sạch thì hãy về đây!”.
Hiện tại người cháu ngoại ông Yến, anh Trần Quang Thái, sau khi tốt nghiệp ngành Xã hội học - ĐH QG TP HCM về cũng muốn nối nghiệp ông. Thái cho biết: “Bây giờ cà phê dỏm, cà phê pha phụ gia nhiều lắm nên tôi muốn lấy thương hiệu của ông Tư Yến để mở công ty kinh doanh cà phê sạch”.