Sớm bảo hiểm xe, hỗ trợ việc làm

Sớm bảo hiểm xe, hỗ trợ việc làm
TP - Chiều 8/4, nhiều người lao động có mặt tại Cty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa, Bắc Giang) dù Cty chưa bố trí được việc làm cho họ. Nhiều người băn khoăn liệu có gián đoạn việc làm, liệu có được hỗ trợ xe cộ bị cháy?

> Tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
> Hơn 1.000 công nhân tá hỏa sau hỏa hoạn ở Bắc Giang

Nhiều người lao động có mặt chia sẻ khó khăn với DN
Nhiều người lao động có mặt chia sẻ khó khăn với DN.

Chị Nguyễn Thị Việt (thôn Tứ, xã Lương Phong, Hiệp Hòa) kể: Lúc xảy ra đám cháy, mọi người chỉ lo chạy thoát thân. Đến khi ra ngoài rồi mới tá hỏa vì xe máy vẫn còn ở trong đó nhưng không thể vào được vì ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt.

Chiếc xe Yamaha Exciter mới mua được một năm với giá hơn 40 triệu đồng của chị là kết quả tích cóp của cả hai vợ chồng mấy năm đi làm cũng nằm trong số hàng nghìn xe của các công nhân đang bị bà hỏa thiêu rụi.

“Hôm nay mình cũng đến Công ty để kê khai tài sản bị mất trong vụ hỏa hoạn. Không biết sẽ được đền bù thế nào nhưng chắc phải đi xe đạp một thời gian” – Chị Việt nói.

Vẻ mặt đượm buồn, chị Minh, thôn An Hòa, xã Đoan Bái, Hiệp Hòa không giấu nổi băn khoăn, vụ cháy đã nuốt chửng chiếc xe máy Dream Việt, trong đó gồm cả các giấy tờ mua bán xe. Không biết sắp tới sẽ được xử lý như thế nào nhưng chắc chắn là số tiền hỗ trợ của Công ty không thể giúp chị mua lại chiếc xe như thế.

“Biết đây là sự cố khách quan nhưng tôi vẫn thấy xót xa. Mấy chục triệu đồng bỗng chốc bốc hơi vì hỏa hoạn. Nhà làm nông nghiệp, biết đến bao giờ mới đủ tiền mua xe mới?” – Chị Minh tâm sự.

Xác của hàng nghìn xe máy sau vụ hỏa hoạn
Xác của hàng nghìn xe máy sau vụ hỏa hoạn.

 Hiện cả xã có hơn 1 nghìn lao động đang làm việc tại Hà Phong. Lương của những công nhân làm việc tại đây khá cao, ở mức 3,7-3,8 triệu đồng/người/tháng, so với làm ruộng cao hơn gấp 3-4 lần.

Ông Lê Văn Chúc,
Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Bái

Ngày 8/4, Công ty Hà Phong đã mời các công nhân tới để thống kê tài sản bị mất trong vụ hỏa hoạn đồng thời sắp xếp thời gian làm việc cho các lao động nơi xảy ra vụ cháy.

Trước mắt, tất cả các công nhân ở xưởng 1 và 2 vẫn được bố trí công việc nhưng phải làm việc từ 5 giờ đến 11 giờ đêm để bảo đảm tiến độ giao hàng. Một số DN đối tác cho phép Hà Phong được giãn nợ để khắc phục khó khăn trước mắt.

Theo thông tin từ DN thì nhà xưởng, thiết bị bị cháy đều đã được DN mua bảo hiểm từ trước và phần lớn hợp đồng của Công ty với các đối tác nước ngoài cũng đều được bảo hiểm nên cũng giảm bớt khó khăn về tài chính cho DN.

Phía Hà Phong cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang miễn, giảm thuế cho DN, hỗ trợ một phần tài chính và đất đai để DN phục hồi sản xuất. Sau khi bàn bạc, tỉnh Bắc Giang đã thống nhất dành 5 nghìn m2 đất liền kề với khu vực nhà xưởng để cho DN làm điểm sản xuất tạm thời.

Đại diện Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Bắc Lạng (Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành), đơn vị ký hợp đồng bảo hiểm với Cty Hà Phong cho biết: Cty Hà Phong đã mua toàn bộ bảo hiểm nhà xưởng, thiết bị với mức 60 tỷ đồng, được chia thành nhiều gói. Tính toán ban đầu của Cty Bảo hiểm Xuân Thành Bắc Lạng, tổng thiệt hại doanh nghiệp ước khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Liên quan đến việc bồi thường xe máy, xe đạp bị cháy, đại diện Cty Hà Phong cho biết, sẽ chi trả toàn bộ cho người lao động theo các quy định hiện hành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG