Báo chí phải khắc phục tình trạng 'thương mại hóa'

Báo chí phải khắc phục tình trạng 'thương mại hóa'
TP - Sáng 19/3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

> PV Tiền Phong đoạt 3 giải báo chí toàn quốc về ngành tài chính
> Những tỷ phú Việt gây sốt trên báo chí nước ngoài

Báo in gặp khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, năm 2012 và quý I/2013 báo chí đã tích cực, chủ động bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước. Báo chí đã tuyên truyền, cổ vũ ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Về hoạt động kinh tế báo chí, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí. Theo thống kê bước đầu, tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí năm 2012 ước đạt khoảng 18.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khối các đài truyền hình, phát thanh- truyền hình.

Tổng doanh thu quảng cáo trên báo, tạp chí in ước đạt 1.600 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với năm 2011. Khó khăn về tài chính, nguồn thu quảng cáo đã khiến nhiều cơ quan báo chí phải giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng phát hành, sáp nhập các đầu mối...

Đề cập những mặt hạn chế, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng một số cơ quan báo chí thực hiện không nghiêm các quy định về tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Vi phạm này làm cho một số báo, tạp chí có nội dung giống nhau, sao chép, trùng lặp về thông tin, về cách thức phản ánh thông tin...

Nhức nhối bản quyền báo chí

Tham luận tại hội nghị, Tổng Biên tập báo điện tử Dân Trí Phạm Huy Hoàn cho biết, nhiều năm qua một số báo điện tử và những trang tin điện tử của các công ty truyền thông không có chức năng hoạt động báo chí (không có Tổng Biên tập) đã ngang nhiên sao chép “cắt- dán” thông tin báo chí từ các báo chính thống lên trang tin của mình để kinh doanh quảng cáo.

Những phát hiện gần đây trên báo Petrotimes về việc đạo báo đã chỉ rõ việc làm sai trái của từng trang tin điện tử và lên án hành vi phi pháp này.

“Đạo báo ngày càng lan rộng đến mức công khai, coi như chuyện đương nhiên họ được phép “sống trên mồ hôi” của hàng trăm nhà báo miệt mài công sức cho từng tác phẩm báo chí của mình”- ông Hoàn nói.

Với các website kiểu này, họ chỉ cần một số ít người hiểu biết công nghệ, dùng mọi tiểu xảo để nhanh nhất sao chép được các thông tin mới trên các báo có nhiều bạn đọc. Họ đã kiếm được các khoản tiền lớn về quảng cáo trên nguồn tin bài của các báo nhưng lại hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì về tính chính xác của các tin bài đó.

Trong khi, Luật Báo chí quy định tác giả và Tổng Biên tập báo gốc phải chịu trách nhiệm về từng nội dung tin bài xuất bản trên báo. Nếu bài viết có nội dung sai phạm, nhà báo và Tổng Biên tập báo có tác phẩm báo chí sai phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng các báo điện tử sao chép hoặc website của các công ty truyền thông sao chép các tin bài có sai phạm đó, không những không bị xử lý mà còn kiếm bộn tiền về quảng cáo từ nguồn tin mà báo gốc đã bị xử phạt. “Thậm chí khi báo gốc đã phải xóa bỏ thông tin sai thì trên các website sao chép vẫn tồn tại một cách tùy tiện, hết sức vô trách nhiệm”- ông Hoàn bức xúc.

Ông Phạm Huy Hoàn kiến nghị, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục kiểm tra mạnh hơn nữa để xử lý tất cả các báo điện tử, các trang tin điện tử khác đang cố tình sai phạm, sao chép tác phẩm báo chí khi chưa được đối tác cho phép sử dụng thông tin theo quy định của Luật Báo chí và Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm bản quyền tác giả báo chí, nhất là các website, trang tin không có chức năng hoạt động báo chí nhưng lại tự ý copy bài của các báo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cũng yêu cầu trong năm 2013, các cơ quan báo chí cần tạo chuyển biến thực sự, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng “thương mại hóa”, thoát ly tôn chỉ, mục đích vốn đã kéo dài quá lâu; có giải pháp cụ thể đối với tình trạng số lượng các kênh truyền hình vượt quá mức cần thiết.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương thành tích của các cơ quan báo chí và toàn thể những người làm báo cả nước.

Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới.

Báo Tiền Phong được tặng Bằng khen

Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khen thưởng một số đơn vị, cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc.

Báo Tiền Phong được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do có thành tích tuyên truyền tích cực và hiệu quả các hoạt động xã hội năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG