Tỏi cô đơn, thợ lặn và Cá Ông voi ở Lý Sơn

Tỏi cô đơn, thợ lặn và Cá Ông voi ở Lý Sơn
TP - Tôi ra Lý Sơn, nghe được một câu nói của các bạn trẻ nơi đây, vừa tự hào về sự cần cù, chăm chỉ, vừa cho thấy sự khó khăn của người dân vùng đảo: “ở đây, người không cho đất nghỉ”. Nhưng chính thế, đất này đã sinh ra những con người và những câu chuyện kỳ lạ.

> Chuẩn bị lễ Khao lề thề lính Hoàng Sa
> Nhà cổ trên đảo Lý Sơn lưu dấu Hoàng Sa
> Tặng quà cho ngư dân trẻ Lý Sơn

Nơi người không cho đất “nghỉ”

Có lẽ, ở Việt Nam, tàn tích của một ngọn núi lửa được nhìn thấy rõ “hình hài” nhất là ở Lý Sơn.

Nơi đây, không chỉ có một mà có đến 4 ngọn núi lửa. Ngọn cao nhất, lớn nhất ở đảo lớn, trên đỉnh là miệng núi sâu hoắm, được sử dụng làm hồ chứa nước phục vụ tưới nước cho những cánh đồng xung quanh chân núi.

Khác với những vùng tàn tích của núi lửa ở Tây Nguyên hay Vĩnh Linh (Quảng Trị) với đất đỏ bazan màu mỡ, tơi xốp, ở Lý Sơn, nền đất đã hóa đá, khô cứng, tầng đất thịt rất mỏng nên để canh tác nông nghiệp, người dân phải chịu nhiều khó nhọc.

Nếu như ở đô thị, “tấc đất, tấc vàng” thì ở Lý Sơn cũng gần như vậy, hầu như chỗ nào còn đất, đều được khai thác triệt để canh tác.

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km², gồm 3 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé và hòn Mù Cu. Huyện được chia làm 3 xã An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải (Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).

Dân số của huyện Lý Sơn khoảng 2 vạn người. Chính vì đất hẹp, người đông, một phần lớn là núi đá khô cằn nên ở Lý Sơn, hầu như tất cả mọi nơi đều được tận dụng, và hết mùa này, đến mùa khác, các loại cây trồng khác nhau được luân canh, không cho đất “nghỉ”. Song, ở Lý Sơn, không có bất kỳ ruộng lúa nào.

Từ tháng 9 hoặc 10 năm trước đến tầm tháng 2 hoặc 3 năm sau, là vụ tỏi; hết mùa tỏi, người dân lại làm đất để chuyển sang vụ hành, hết hành lại chuyển sang dưa; và hết vụ dưa, là chuyển sang trồng các loại đậu. Sản phẩm nào ở Lý Sơn cũng đặc biệt ngon, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tỏi. Nếu như một người khách nào đến Lý Sơn mà không mang được ít tỏi về làm quà hay khách đến Lý Sơn mà chủ nhà chưa biếu cho ít tỏi, thì xem như chưa đến Lý Sơn…

Nghề trồng tỏi

Thu hoạch tỏi. Ảnh: Dương Văn An
Thu hoạch tỏi. Ảnh: Dương Văn An.
 

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả nước, đến nổi Lý Sơn còn được gọi là “đảo tỏi” và nhiều làng tỏi khác phải “mạo danh” tỏi Lý Sơn.

Cũng có câu chuyện buồn khi một người có “vị trí” trong nghề mua bán tỏi ở Lý Sơn đã mua tỏi khác về, trộn với tỏi Lý Sơn đem bán, hòng thu lợi nhuận cao, song đã sớm bị phát hiện. Những người trồng tỏi chân chính ở Lý Sơn không bao giờ chấp nhận vậy, cho dù có những lúc mất mùa, bát cơm lưng, đạm bạc.

Không biết vì thời tiết, đất đai hay do quy trình và kinh nghiệm trồng tỏi từ lâu đời, mà tỏi Lý Sơn tuyệt ngon, với tép nhỏ, mùi vị thơm, cay, dịu. Trên nền đất khô cằn, người dân Lý Sơn rải lên những lớp cát san hô được lấy từ bờ biển rồi tiếp tục phủ lên một lớp cát trắng, loại cát rất nhỏ và xốp.

Cứ sau một, hai mùa thu hoạch, lớp cát cũ được cào bỏ, một lớp cát mới được thay thế. Những cánh đồng tỏi được chăm bón, dẫn nước ra tận nơi để tưới tắm chu đáo không để tỏi quá khô hạn; có nơi, đồng tỏi còn được che lưới để tránh gió biển…

Hãy thử hình dung, để có được những cánh đồng tỏi tươi tốt, một, hai vụ, người trồng tỏi ở Lý Sơn phải thay khoảng 70 ngàn mét khối đất cát, cũng tương ứng chừng ấy được hoàn trả về biển.

Những giọt mồ hôi rơi xuống trên cánh đồng cát san hô trắng vàng, để vun trồng những củ tỏi thơm ngon không nơi nào sánh được. Song, cũng có những vụ tỏi mất mùa. Mỗi củ tỏi chỉ có duy nhất một múi (tép) tỏi, người Lý Sơn thường gọi là “tỏi một”, hay “tỏi cô đơn”, “tỏi mồ côi”.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, những cây tỏi này chỉ có duy nhất một tép, thay vì một củ tỏi với khoảng 6-7 tép.

Vì vậy, sản lượng tỏi chỉ bằng 1/8 đến 1/9 so với loại tỏi bình thường. Song, cũng là luật bù trừ của tự nhiên, trời cho loại tỏi này nhiều đặc điểm mà tỏi bình thường không thể nào có được.

Theo người dân địa phương, ai bị bệnh tim mỗi ngày ăn ba củ tỏi cô đơn và ăn thường xuyên bệnh tình sẽ thuyên giảm.

Tỏi cô đơn còn được dùng để ngâm rượu, để trong nhà làm thuốc gia truyền chữa và phòng ngừa được các bện như: ôn thận tráng dương, bổ khí sinh tinh, tư âm bổ thận, trị cảm cúm, đau lưng nhức mỏi, cao huyết áp, giảm mỡ máu, đầy bụng, ăn khó tiêu, dạ dày, viêm xoang…

Hôm ra Lý Sơn, tôi bị đau bụng, được chủ nhà cho uống nửa ly rượu tỏi, vậy mà khỏi hẳn! Khả năng phòng, chữa bệnh của rượu ngâm tỏi cô đơn hiệu quả hơn nhiều so với các loại tỏi thông thường… Cũng vì thế nên cũng có người tìm cách thúc ép trái tự nhiên để mong thu hoạch được nhiều tỏi cô đơn nhưng không thành công. Người già trên đảo thường bảo rằng cây tỏi cũng có hồn, có tình. Chỉ nó tự nguyện thành tỏi cô đơn mà thôi, không ai có thể thúc ép được…

Những chàng trai bám biển

Đội tàu Lý Sơn
Đội tàu Lý Sơn.

Đội tàu thuyền Lý Sơn là một đội mạnh! Hiện, huyện đảo có gần 450 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ở Lý Sơn, trở thành ngư dân có thể từ lúc mới 14, 15 tuổi.

Thầy giáo Tổng phụ trách đội TNTP trường tiểu học An Vĩnh – Võ Xuân Kiêm khoe rằng, đã từng đi biển từ lúc học cấp hai. Vậy mà vẫn đỗ trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp ra trường, đi dạy, nhưng hè đến, anh vẫn theo tàu nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến.

Với anh Kiêm, đi biển còn là một tình yêu, không đi, sẽ nhớ… Tôi đến chơi nhà của Tống Đức Chiến, Đinh Văn Thời (thôn Tây An), mới 21, 22 tuổi nhưng đã có 7 năm bám biển, hầu như vùng biển nào ở biển Đông cũng đã từng đến, nhớ tên từng hòn đảo chìm, đảo nổi, từng rặng san hô. Ngư trường truyền thống vẫn là vùng biển Hoàng Sa, nơi mà các thế hệ ông cha của họ đã đặt chân đến.

Những chàng trai trẻ này mỗi chuyến vật lộn với sóng gió từ một tháng đến tháng rưỡi mới vào bờ, nghỉ ba, bốn ngày để chuẩn bị lương thực, dầu, đá (nước đá) rồi lại lên đường. Mỗi chuyến đi, trung bình được khoảng 7-9 triệu đồng; khi trúng luồng cá, thì được nhiều hơn.

Đã làm nghề đánh bắt xa bờ, giữa mênh mông sóng nước, nguy hiểm tất nhiên là có nhiều: Sóng gió, mưa bão, hải tặc, tàu chết máy... nhưng trong câu chuyện nhặt này, chỉ nói về chuyện nguy hiểm khi lặn biển để đâm cá hoặc lấy ốc.

Hỏi chuyện, mấy ngư dân trẻ cho biết, có thể lặn đến 60, 70 mét nước. Tôi nghe, mà không tin ở tai mình.

Rồi hỏi lại, vậy, lặn có bình ô xy, áo quần chuyên dụng bảo vệ không? Chàng trai cười: bọn em chỉ mặc áo quần này (bình thường) thôi à, miệng thì ngậm thêm dây dẫn khí, chứ có bình lặn, áo lặn gì đâu. Mỗi người lặn, được trang bị một kính lặn, một ống dẫn khí ô xy có máy bơm đẩy khí, một sợi dây thừng quấn ngang người để người ở trên thuyền kéo lên.

Khi lặn ở độ sâu năm, bảy chục mét nước, áp suất nước ép đến ù tai, tức ngực, lồi cả mắt, vậy mà các chàng trai này chịu được. Khi lên, dây thừng được kéo lên từng nấc một, nghỉ lại ở các mức 30, 20, 10 mét nước để giảm áp dần dần.

Nếu lên thẳng, “đi” thẳng là cầm chắc! Nghe câu chuyện, tôi nhớ hai lần đi Trường Sa, khi chúng tôi câu cá, giật những con cá mú lên sàn tàu, cá nhảy chưa được cái thứ ba thì bong bóng nổ, phòi ra đầu miệng.

Mười con như một! Nhưng những chàng trai này không sợ độ sâu, áp suất, mà sợ ống dẫn khí bị tắc (do bị gập, rối), bị tuột hoặc máy nổ bơm khí bị hỏng. Lúc đó không có ô xy, kéo lên thì không kịp, mà có kịp thì cũng khó sống bởi cơ thể bị giảm áp suất đột ngột...

Ông Nam Hải cứu ngư dân

Một góc đảo Lý Sơn
Một góc đảo Lý Sơn.
 

Những làng chài của Việt Nam, đều có chung truyền thống thờ cá Voi. Hầu như làng chài nào cũng có đền thờ loại cá to lớn này, thường được gọi là “Ông”, Ông Nam hải. Ở Lý Sơn, có một đền thờ, trong đó có bộ xương có Voi khá lớn (theo người dân địa phương thì lớn nhất Việt Nam), được người dân thờ từ cách đây hơn trăm năm.

Người Lý Sơn truyền miệng nhiều huyền thoại về việc cá Voi cứu thuyền, cứu ngư dân. Nhưng câu chuyện được nhiều người chứng kiến nhất là chuyện ông Nguyễn Văn Công được 2 con cá Voi lớn lấy lưng đỡ thuyền vượt qua bão lớn, về đến vùng biển an toàn…

Đó là mùa mưa năm 2009, thuyền của ông sau gần một tháng đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, thì được tin có bão, vậy là dong tàu trực chỉ Lý Sơn chạy về.

Chưa về đến Lý Sơn, bão đã đến. Con tàu nhỏ với gần chục ngư dân bị bão quần hai ngày thì hỏng máy, gãy bánh lái, mọi việc chỉ chờ vào số phận. Rồi một ngày trôi qua giữa sóng to, gió lớn, tàu bị quăng quật tứ phía; hy vọng càng nhỏ dần, nhỏ dần, các ngư dân quyết định dùng dây thừng nối mọi người lại với nhau, để khi chết có tìm thấy thi thể thì vẫn có chung cả tàu...

Bổng nhiên con tàu lấy được thăng bằng, tiếp tục hành trình theo một hướng, kim la bàn cho thấy mũi tàu thẳng hướng Tây. Toàn bộ ngư dân trên tàu hồi hộp, cầu khấn Ông “độ” tàu, đưa về nơi an toàn...

Sáng hôm sau, tàu thoát vùng bão (cũng có thể bão đi qua), xa xa đã nhìn thấy lờ mờ đất liền. Mọi người mừng rỡ lên bong, chợt thấy 2 sống lưng trầy da, rướm máu chập chờn dưới mặt biển. Cả tàu vái lạy hai Ông, hai Ông quẫy đuôi, rẽ sóng rồi lặn sâu xuống biển...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.