> Hà Nội: 'Trảm' công trình vi phạm trật tự xây dựng
> Đua nhau xây nhà trái phép chờ đền bù
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt cho biết, hiện Sở đang lấy ý kiến các quận huyện, sở ngành về “Quy chế xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn”.
Theo dự thảo quy chế, nguyên tắc đầu tiên là mọi cán bộ, công chức làm công tác quản lý TTXD để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật xây dựng do buông lỏng quản lý hoặc sau khi phát hiện vi phạm pháp luật xây dựng trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không thực hiện giải quyết đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều bị xử lý trách nhiệm kịp thời, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.
Đáng chú ý, tất cả các vị trí trong hệ thống kiểm soát TTXD của TP Hà Nội, từ cấp thành phố cho tới quận huyện, xã phường đều được đặt vào danh sách có thể bị kỷ luật nếu buông lỏng quản lý.
Các hình thức kỷ luật cũng có nhiều mức, tùy theo mức độ vi phạm. Chẳng hạn, trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường, thị trấn để xảy ra vi phạm xây dựng hậu quả nghiêm trọng thì bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm.
Đối với Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã khi đã nhận được báo cáo từ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra xây dựng về vụ việc vi phạm mà không chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền sẽ bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Nếu lợi dụng chức vụ được giao, cố ý bao che cho công trình vi phạm pháp luật xây dựng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị cách chức, hoặc buộc thôi việc...
Đặc biệt nếu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn nếu nhận tiền, hiện vật (chưa tới mức xử lý hình sự), đi ăn uống hoặc tham gia các hoạt động khác theo lời mời của chủ đầu tư trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật xây dựng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc hạ bậc lương.
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tình hình vi phạm theo thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Vinh Quang, Chánh thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc ban hành một quy chế xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn là cần thiết, tuy nhiên các quy định phải sát thực tế, tránh hình thức.
“Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản lấy ý kiến về bản quy chế này. Qua thông tin báo chí, cá nhân tôi thấy quy định cán bộ đi ăn uống hoặc tham gia các hoạt động khác theo lời mời của chủ đầu tư trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật xây dựng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc hạ bậc lương là chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa Luật Cán bộ, công chức và các quy định hiện hành của Nhà nước đã nói rõ điều cán bộ công chức được làm và không được làm rồi”-Ông Quang nói.
Cùng đề cập về quy định này, ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) nêu quan điểm: “Việc xử lý cán bộ nhân tiền hay hiện vật với chủ đầu tư thì quá đúng, nhưng nếu xử lý cả việc đi ăn uống hoặc tham gia các hoạt động với chủ nhà công trình sai phạm thì nên cân nhắc. Bởi cán bộ quan hệ với chủ nhà đâu chỉ liên quan đến công trình sai phạm, có khi là bạn bè hàng xóm với nhau không lẽ họ mời đi ăn uống lại từ chối, rồi ngoài công việc còn nhiều mối quan hệ khác nữa”.