> Nhân dân phải được tham gia phản biện
> Phát huy hơn nữa sức lực, trí tuệ của thế hệ trẻ
Cùng dự hội nghị có Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão, các đại biểu nguyên là cán bộ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cựu cán bộ Đoàn, nhà khoa học, chuyên gia.
Tại Hội nghị, các đại biểu (ĐB) tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhấn mạnh đến quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; vai trò vị trí cũng như quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong Hiến pháp.
Chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ
Khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên cũng như tổ chức của thanh niên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão cho rằng việc bỏ Điều 66 Hiến pháp 1992 (như dự thảo) là không hợp lý.
Theo ông, cần khẳng định rõ vai trò, vị trí của thế hệ thanh niên trong Hiến pháp, giữ lại Điều 66 Hiến pháp 1992 (tạm gọi là Điều 40a dự thảo) với nội dung được sửa đổi, bổ sung là: “1- Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. 2- Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 3- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước”.
Đồng tình quan điểm này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển cho rằng, tại Điều 36 Hiến pháp hiện hành đã quy định rất rõ: “Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa đề cập vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình đối với thanh niên.
Dự thảo có điểm mới là Chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được chuyển từ Chương 5 lên Chương 2; bổ sung quyền con người vào Chương này, thành Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. TS Đỗ Minh Phượng (Đại học Luật Hà Nội) nêu rõ, Điều 21 là một quy định mới thể hiện thái độ trân trọng quyền sống – một quyền quan trọng nhất của con người. Tuy nhiên, cần bổ sung rõ hơn: “Mọi người đều có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Mặt khác, không được lạm dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác...
Góp ý về điều 4, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Mão cho rằng, nên có quy định theo hướng có cơ chế giám sát của nhân dân đối với Đảng, đồng thời Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Bổ sung một điều riêng về Đoàn Thanh niên
Nhiều ý kiến của các sinh viên, giảng viên trẻ đồng tình với đề xuất Hiến pháp sửa đổi cần bổ sung một Điều riêng về tổ chức
Đoàn Thanh niên.
Theo TS Vũ Duy Hải, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Hiến pháp sửa đổi chưa có điều nào quy định về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một tổ chức quan trọng của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành vẫn quy định tại Điều 36: “Các đoàn thể nhân dân trước hết là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh … có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”.
Theo Điều lệ Đảng, chỉ duy nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị, xã hội được coi như đội dự bị tin cậy của Đảng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7, khóa X về công tác thanh niên cũng đã nhấn mạnh xây dựng tổ chức Đoàn là xây dựng Đảng đi trước một bước.
TS Hải kiến nghị bổ sung thêm một Điều riêng về Đoàn, với nội dung “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng”.
Chị Ngô Thu Trang, chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ, ĐH Quốc gia, đặt câu hỏi Hiến pháp có cần quy định học tập là “một nghĩa vụ của công dân” hay không.
Trang lý giải, đặc điểm của quan hệ nghĩa vụ là nếu vi phạm nghĩa vụ sẽ phát sinh hậu quả pháp lý tiêu cực đối với người vi phạm. Tuy nhiên nếu một người không học tập cũng không thể kết tội và ép buộc được.
Nếu quy định như vậy là đã coi nghĩa vụ học tập với nghĩa vụ đóng thuế hay thực hiện nghĩa vụ có bản chất tương tự như nhau, nhưng về pháp luật và thực tiễn thì các nghĩa vụ này khác nhau về hậu quả pháp lý và cách thức thực hiện.
Liên quan đến khoa học công nghệ, trọng dụng nhân tài, TS Vũ Duy Hải cho rằng dù Hiến pháp đã nêu vấn đề tạo điều kiện phát triển tài năng và tạo điều kiện cho mọi người tham gia và thụ hưởng thành tựu khoa học công nghệ, nhưng cách đặt vấn đề còn chung chung.
Do đó, nên làm rõ, bổ sung nội dung: “Mọi nguồn lực quốc gia được ưu tiên cho phát triển khoa học và công nghệ, cùng với đội ngũ các cán bộ khoa học và công nghệ”.
Điều đó đáp ứng hai yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp 1992 là thể chế hóa kịp thời một quan điểm lớn của Đảng về một lĩnh vực được xem là quốc sách hàng đầu và đảm bảo kỹ thuật lập hiến, cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở cho việc xây dựng chính sách ổn định trong dài hạn.
Kết luận hội nghị, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị vào dự thảo Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp để gửi đến Ban soạn thảo.