Vì sao tin nhắn rác hoành hành?

Vì sao tin nhắn rác hoành hành?
TP - Mặc dù Nghị định 77/2012 về chống tin nhắn rác được ban hành từ 5-10-2012 song đến nay tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là dịp sau Tết Quý Tỵ, gây nhiều bức xúc cho người sử dụng.

> Phần mềm chặn tin rác và cuộc gọi ‘moi tiền’ nửa đêm
> Bùng phát 'dịch' tin rác
> Siết tin nhắn rác: Người dùng vẫn bị 'quấy rối'

Doanh nghiệp nào cũng sai phạm

Sáng mồng một Tết, chị Lê Hồng Hà (tập thể 918, Long Biên, Hà Nội) nhận được tin nhắn “Thuê bao xxxx9353 nhận được lời nhắn chúc mừng năm mới từ người thân, để nghe và biết tên người ấy xin gọi lại 19006915”. Chị Hà gọi vào số 19006915 nhưng không thấy phía bên kia có thông tin phản hồi.

Gọi vào số máy chăm sóc khách hàng của nhà mạng, chị giật mình khi biết đó là một hình thức tin nhắn lừa đảo, việc gọi vào tổng đài 19006915 của chị bị tính cước theo phút, gọi một giây cũng bị tính cước là một phút.

Suốt từ Tết Nguyên đán, chị Hà liên tiếp nhận được các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo như tin bán sim, bán chăn ga, gối đệm, tin chứa nội dung không lành mạnh liên quan lô đề, bói toán...

Tương tự chị Hà, anh Nguyễn Trung Thành (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội) gặp nhiều phiền toái vì tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

“Ngày nào cũng phải xóa vài tin. Nhiều hôm đang chờ tin nhắn của bạn gái thì nhận tin “vui xuân..tải ngay miễn phí” khiến mình phát bực. Có hôm nhận được tin nhắn rác vào lúc 12h đêm”, anh Thành than thở.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Công ty An ninh mạng Bkav, mặc dù nghị định 77 CP đã có hiệu lực từ 1-1-2013 song ghi nhận của Bkav cho thấy tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn tăng.

Một nghiên cứu mới đây do Bkav công bố, trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại VN.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính VN cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu, mỗi năm VN có tới hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo được gửi từ các doanh nghiệp di động. VN cũng thường xuyên nằm trong Top 10 quốc gia có vấn nạn tin nhắn rác, thư rác theo báo cáo “Dirty Dozen” của hãng bảo mật Sophos.

Theo Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hùng, trong năm 2012, Thanh tra Bộ phối hợp với Trung tâm VNCERT, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thanh tra 47 công ty cung cấp dịch vụ nội dung thông tin di động (gọi tắt là CSP).

Điều đáng nói tất cả 47 CSP này đều có sai phạm, trong đó tập trung các hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung mê tín dị đoan.

Ba doanh nghiệp đã bị đình chỉ cung cấp dịch vụ vì phát tán tin nhắn rác, xử phạt 1,6 tỷ đồng và tịch thu 0,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nay tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời, để lại nhiều bức xúc cho xã hội.

Nhà mạng có thực sự mạnh tay?

Triển khai Nghị định 77, Bộ Thông tin & Truyền thông mới đây có thông báo số 03/TB-BTTTT yêu cầu nhiều đơn vị, ban ngành, các doanh nghiệp, khách hàng cùng vào cuộc trong đó nhấn mạnh vai trò của các nhà mạng.

Một số biện pháp mạnh tay được Bộ yêu cầu các nhà mạng thực hiện như chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn wappush.

Các nhà mạng phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp CSP không tính cước và hoàn trả lại cho người sử dụng đối với các tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn do nhầm lẫn.

Các nhà mạng cũng không khuyến mại tràn lan, phá giá thị trường, tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng các gói cước nhắn tin giá rẻ phục vụ phát tán tin nhắn rác.

Các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobiphone đều cho biết nghiêm túc xử lý nạn tin nhắn rác.

Tuy nhiên theo một chuyên gia về viễn thông, một trong những nguyên nhân chính của tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo xuất phát từ mẫu thuẫn quyền lợi giữa chính các nhà mạng và các doanh nghiệp CSP.

Trong khi trên thế giới các CSP được hưởng tỷ lệ từ 70-90% lợi nhuận còn ở VN với các đầu dịch vụ 1900xxxx, nhà mạng thường được hưởng 66-58% lợi nhuận, các CSP được hưởng 34-42% lợi nhuận.

Trong khi doanh nghiệp CSP phải bỏ ra các chi phí cao để sản xuất sản phẩm, dịch vụ nội dung, mua bản quyền nhưng chỉ được hưởng doanh thu thấp, nhiều khi không đủ bù chi phí. Vì vậy, các CSP phải tìm cách phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ của mình nhằm thu hút người sử dụng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay thời gian qua, việc phân chia cước có những bất cập nên các doanh nghiệp CSP không sử dụng đầu số của nhà mạng phân bổ mà dùng lại các đầu số thuê bao bình thường, đặc biệt là thuê bao trả trước. Điều đó dẫn đến tình trạng không kiểm tra, kiểm soát được số lượng, nội dung tin nhắn.

Vì vậy, theo ông Thắng thay vì để nhà mạng cung cấp các đầu số di động trực tiếp cho các CSP, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra quản lý và cấp đầu số tin nhắn cho các CSP.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, việc giải quyết những bất cập trong việc phân chia cước giữa nhà mạng và doanh nghiệp CSP sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.
Mớ hỗn độn của Hoài Lâm
Mớ hỗn độn của Hoài Lâm
TPO - Sau "Hoa nở không màu", sự nghiệp âm nhạc của Hoài Lâm hoàn toàn lạc lối. Nhiều khán giả vẫn dành cho Hoài Lâm tình cảm đặc biệt nhưng nam ca sĩ chưa cho thấy động thái trở lại.