Phản ánh mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam

Phản ánh mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam
TP - Trao đổi về những hình ảnh phản cảm tại lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, không thể đổ lỗi cho người dân, bởi những gì diễn ra tại đây phản ánh mặt bằng của xã hội Việt Nam.

> Xe công đi lễ hội, báo ngay Chủ tịch tỉnh
> Những hình ảnh phản cảm tại lễ khai ấn đền Trần

Những năm trước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có hội thảo về lễ Khai ấn đền Trần nhằm hai mục đích, một là dẹp bỏ các bức bối, tệ nạn diễn ra trong lễ hội, hai là tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình.

Các biện pháp được triển khai trong năm trước đã đạt hiệu quả nhất định khi việc giãn cách thời gian phát ấn đã khiến cảnh chen lấn giẫm đạp làm nhiều người bị thương không còn diễn ra. Tuy nhiên, năm nay, với những hiện tượng mà báo chí phản ánh, PGS. TS Bùi Quang Thắng cho rằng: “cần có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn với hiện tượng này”.

Trước mắt, chúng ta lên án, bày tỏ thái độ bất bình với các hành động phản cảm này là đúng, nhưng từ đó đi tới hủy bỏ các lễ hội là quá dễ dàng và hời hợt. Vấn đề đặt ra là lễ hội đã mang lại những lợi ích gì kể cả mặt kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân và địa phương.

Xét về góc độ kinh tế, lễ hội Khai ấn đền Trần nói riêng và các di sản văn hóa nói chung nếu đem lại lợi nhuận là điều đáng mừng. Bởi Ban tổ chức, địa phương đã biết sử dụng các di sản văn hóa trở thành tài sản kinh tế.

PGS.TS Bùi Quang Thắng nhấn mạnh, đây chính là con “ngỗng vàng” của các địa phương. Nó là điều tích cực hơn rất nhiều dự án kinh tế, các lễ hội do nhà nước đổ tiền ra triển khai, tổ chức mà không mang lại bất cứ lợi lộc gì.

Xét về góc độ xã hội, PGS.TS Thắng đặt câu hỏi: “Những thảm cảnh mà báo chí đưa tại lễ hội Khai ấn đền Trần và những lễ hội khác (nếu có) liệu đã phải là cái nhìn toàn diện và nhân văn?”.

Tại lễ Khai ấn đền Trần. Ảnh: Minh Đức
Tại lễ Khai ấn đền Trần. Ảnh: Minh Đức.

“Theo tôi, lễ hội là một phần của xã hội. Và những tiêu cực xảy ra tại lễ Khai ấn đền Trần đang phản ánh hiện thực mặt bằng văn hóa xã hội ở Việt Nam.

Chúng ta bắt gặp cảnh chen lấn, xô đẩy không chỉ ở đền Trần (Nam Định), mà ngay ở những con đường của Thủ đô Hà Nội. Nơi những người dân được coi là thanh lịch văn minh vẫn không ngừng chen lấn từng cm trên đường, vẫn sẵn sàng văng tục thậm chí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay nếu có va chạm.

Trong khi lễ hội ở các nước Đông Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay lễ hội có lượng người tham gia rất đông như Carnaval tại châu Mỹ đã không có những hình ảnh tương tự”.

Nói cách khác, người dân chính là sản phẩm của thời đại, của thể chế. Chúng ta không nên “tỏ ra” sốc cũng như không thể phê phán người dân chen lấn, xô đẩy nhau khi tự cho mình ở một tầng nấc văn hóa cao hơn, có phẩm giá cao hơn họ. Và chúng ta cũng không thể đòi hỏi giáo dục người dân trong một không gian cuốn hút, chật hẹp và nhạy cảm như tại lễ hội Khai ấn đền Trần.

Điều đáng trách ở đây không phải là người dân mà có không ít quan chức, cán bộ tham dự lễ hội. Chính họ phải là những người làm gương cho dân chúng noi theo.

Bởi họ là người đầu tiên mà các cấp quản lý có thể nhắc nhở, khuôn vào kỷ luật. Quan chức là những người đảm đương phần dương của xã hội, nếu quan chức dấn thân quá sâu vào lễ hội thì vô tình tự coi mình lĩnh luôn cả phần âm của đời sống. Như thế là biểu hiện thiếu hiểu biết văn hóa. PGS.TS Bùi Quang Thắng nhận định.

Quay trở lại nguồn gốc của lễ hội, chúng ta thấy các lễ hội có đặc điểm chung là sản phẩm của chính cộng đồng, sinh ra nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, không phải để phục vụ “quan quyền”.

N.C.Khanh ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG