Chuyên khoa chật cứng, cấp huyện vắng hoe

Chuyên khoa chật cứng, cấp huyện vắng hoe
TP - Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đang quá tải trầm trọng với nhà cửa cũ kỹ, trong khi một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện mới được xây dựng khang trang lại vắng vẻ.

> Nhanh chóng triển khai đề án giảm tải bệnh viện
> Bộ Y tế chỉ đạo nhanh chóng giảm tải ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Đông nghẹt

Chiều 22-2, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ chật cứng bệnh nhân, phải nằm cả ở hành lang. Số giường bệnh không đủ đáp ứng nhu cầu nên có gần 100 người bệnh phải ngồi trên băng đá, nằm ở hành lang.

Ở các phòng điều trị, người bệnh chen chúc nhau nằm trên giường và trên cả nền nhà. Chỉ riêng khoa nội, có 60 giường nhưng điều trị tới 118 người. Một giường có 2 - 3 người bệnh.

“Đầu năm trở đi, người bệnh đến điều trị ngày càng tăng. Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh”, Giám đốc-Bác sĩ CKII Lê Quốc Chánh nói.

Giám đốc Chánh cho biết, chỉ hai ngày đầu năm đã tiếp nhận trên 300 người bệnh. Bệnh viện có diện tích 3.500 m2, gồm 14 phòng khoa, quy mô 200 giường bệnh, nhưng luôn có 300-400 người nằm điều trị.

Giám đốc Chánh cho biết, thường sang tháng 3, tháng 4, người bệnh nhập viện cao hơn, một giường nằm 4 - 5 người.

Bệnh viện đang phải lắp ráp khung nhà tiền chế hơn 200 m2 giữa khu khám bệnh và khu điều trị trước cửa khoa ngoại, để người bệnh và thân nhân có nơi tránh mưa nắng.

Vắng tanh

Cách Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khoảng 2 km, Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng được đưa vào hoạt động tháng 9-2012, kinh phí trên 100 tỷ đồng. Diện tích khuôn viên gần 15.000 m2, gồm hai tòa nhà ba tầng, quy mô 100 giường bệnh. Nhưng hiện nay, mới sử dụng 50 giường để đón người bệnh, còn 50 giường đặt trong phòng đã hoàn tất nhưng chưa có trang thiết bị.

Một phòng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội
Một phòng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

Theo quan sát của PV Tiền Phong chiều 22-2, số 50 giường đã đưa vào để tiếp nhận người bệnh đến điều trị được đặt trong 10 phòng. Trong đó, 3 phòng với 14 giường trống. Còn lại 36 giường ở 7 phòng, có 21 người bệnh nằm điều trị.

Như thế, số giường bệnh có người nằm chiếm 42% số giường đã đưa vào hoạt động, còn so với tổng số giường bệnh của Bệnh viện thì chỉ chiếm 21%.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, cho biết lượng người đến khám bệnh bình quân một ngày trên 200, chủ yếu là bệnh thông thường.

Tổng số cán bộ, nhân viên là 63 người, kể cả bảo vệ, trong đó có 12 bác sĩ, còn lại điều dưỡng và hộ lý (55 người biên chế nhà nước).

Phó Giám đốc Liêm nói: “Khó khăn của bệnh viện hiện nay là số lượng y, bác sĩ không đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh và thiếu trang thiết bị phục vụ cho điều trị, nên không giữ được bệnh nhân”. Vì thiếu cả bác sỹ và trang thiết bị nên theo Phó Giám đốc Liêm “dịp Tết, người bị tai nạn giao thông và khám bệnh thông thường chỉ khoảng chục ca”.

Cách Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ khoảng 10 km, Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền được đưa vào hoạt động tháng 7-2010, kinh phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng, có 50 giường bệnh, cũng khá vắng vẻ.

Ở đây, trang thiết bị tương đối đầy đủ, có 58 biên chế, trong đó 12 bác sĩ, còn lại điều dưỡng và hộ lí. Bác sĩ CKI Trần Bá Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Lượng người bệnh điều trị nội trú lúc cao nhất khoảng 80% số giường bệnh”.

Điều chuyển

TP Cần Thơ đã có dự án xây dựng một bệnh viện ung bướu hiện đại, được nước ngoài tài trợ kinh phí. Tuy nhiên do những biến động của thế giới, nay phải đàm phán lại. Hiện chưa thể khẳng định nguồn vốn có hay không, bao giờ có bệnh viện hiện đại.

Để giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Giám đốc Lê Quốc Chánh cho biết: “Bệnh viện đang xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế, xây dựng đề án sử dụng 50 giường của Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng làm vệ tinh cho Bệnh viện Ung bướu”.

Ông Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ phụ trách khối bệnh viện, xác nhận đề xuất trên, tuy nhiên, ông nói còn phải nghiên cứu thêm chứ “chưa khả thi”.

Ông Chu giải thích: “Bệnh viện chuyên khoa có đặc thù với cấu trúc bệnh viện và công tác điều trị khác với bệnh viện đa khoa. Chuyển cả hệ thống bệnh viện đa khoa hay chuyển một phần bệnh viện đa khoa sang bệnh viện chuyên khoa đều phải nghiên cứu kỹ mới được”.

Chủ tịch UBND quận Cái Răng Mai Hồng Châu không mặn mà với đề nghị của ông Chánh. Ông Châu cho biết, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Cái Răng cần đầu tư trang thiết bị trị giá khoảng 31 tỷ đồng nữa là hoàn chỉnh, và đã có quyết định cấp 22 tỷ đồng trong năm 2013, khi hoàn thành sẽ hoạt động tốt, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố.

Về vấn đề nan giải là thiếu bác sỹ trình độ cao sẽ không giữ được người bệnh điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, ông Châu không trả lời thẳng mà chỉ nói: “Mong muốn có nhiều nhưng nếu đầu tư xây dựng thêm bệnh viện chuyên khoa ở quận Cái Răng thì chúng tôi ủng hộ ngay”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG