> Thuê đất trồng rừng để trồng cà phê
> Văn hóa cà phê
Ông Nguyễn Khắc Vị - Trưởng ban Kiểm soát Tổ hợp tác cà phê vì sức khỏe cộng đồng (VSKCĐ) ở tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, Kon Tum) cho biết: Sản xuất cà phê VSKCĐ khác với sản xuất cà phê thông thường ở chỗ nông dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ sản xuất đến chế biến, bù lại họ được hưởng nhiều lợi ích hơn.
Doanh nghiệp kinh doanh cà phê VSKCĐ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg, được điều hành khoản tiền phúc lợi từ người tiêu dùng với mức 440 USD/tấn cà phê nhân vào việc hỗ trợ tổ hợp tác mua thêm phân bón, may quần áo bảo hộ lao động, bồi dưỡng từ 100-150 nghìn đồng/buổi họp hoặc tập huấn. Riêng năm nay, quỹ phúc lợi chi cho các thành viên trong tổ hợp tác 15,8 triệu đồng/ha cà phê, mở một con đường vào khu sản xuất và xây dựng 1 nhà sinh hoạt cộng đồng.
“Nói có sách, mách có chứng”, ông Vị đưa tôi đến thăm con đường cấp phối và nhà sinh hoạt cộng đồng mới được đầu tư xây dựng bằng nguồn quỹ phúc lợi. “Tiêu chuẩn để sản xuất cà phê VSKCĐ là hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ và chú trọng bảo vệ môi trường. Cà phê thu hoạch phải phơi trên sân bê tông hoặc trên bạt, không phơi dưới đất. Trước ngày xuất hàng phải gửi mẫu đi kiểm tra” - ông Vị cho biết.
Còn ông Đặng Đình Lập (tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà) chuyên canh 2,5 ha cà phê VSKCĐ - Tổ trưởng Tổ hợp tác thì xác nhận: “Những người sản xuất cà phê VSKCĐ phải vào tổ hợp tác. Theo quy định của tổ chức Thương mại công bằng (Fairtrade), tổ hợp tác phải chỉ đạo sản xuất và thu hoạch theo đúng quy chế.
Kết quả sản xuất cà phê VSKCĐ ở đây phát triển rất tốt; xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Người trồng được hưởng nhiều lợi ích từ quỹ phúc lợi, tết đến bà con được chia thịt heo; ốm đau được tổ thăm hỏi, động viên với mức 200 nghìn đồng/người.
Quỹ phúc lợi có đến 11 hạng mục chi cho cộng đồng. Nếu sản xuất thuận lợi, 1 ha cà phê bền vững VSKCĐ lãi hơn 20 triệu đồng so với sản xuất cà phê thông thường...!".