Thương hiệu 'đường hoa Nguyễn Huệ' tuổi lên 10

Thương hiệu 'đường hoa Nguyễn Huệ' tuổi lên 10
TP - Từ ý tưởng xây dựng một sự kiện nhằm thu hút khách du lịch đến TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán, đến nay “Đường hoa Nguyễn Huệ” đã trở thành điểm đến độc đáo nhất của TPHCM mỗi khi mùa xuân về.

> Nhiều kỷ lục ở đường hoa Nguyễn Huệ
> Khám phá đường hoa ‘rắn hổ’ 17 tỷ đồng ở Đà Nẵng

Ăn ý từ đầu

Ngay từ giai đoạn khởi đầu của năm đầu tiên, Tết Giáp Thân, Đường hoa mang tính thử nghiệm ra mắt công chúng từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 2 Tết.

Dù thế, UBND TPHCM vẫn cử ngay một phó chủ tịch phụ trách chuyên biệt sự kiện này và ban tổ chức đề xuất lập ra các tiểu ban điều hành một cách thông suốt.

Ý tưởng được sự đồng thuận của các doanh nghiệp. Chi phí hằng năm trên dưới 7 tỷ đồng cho Đường hoa đều được những doanh nghiệp quen thuộc gắn bó từ trước đến nay chi ra như Pepsi, Vạn Thịnh Phát, Kinh Đô, Sabeco, Saigontourist...

Khủng hoảng kinh tế trong vài năm gần đây không làm ban tổ chức chùn bước mặc dù cũng có một số ý kiến nhỏ cho rằng chất lượng Đường hoa cùng với ý tưởng thể hiện theo tính chủ đề không thay đổi nhiều.

“Mỗi năm Đường hoa trung bình cần 120.000 giỏ hoa. Hoa thì chỉ có bấy nhiêu loài đó. Chi phí có thay đổi theo thị trường, đặc biệt là chi phí vận chuyển hoa từ Đà Lạt, giá hoa tăng. Nhưng chất lượng Đường hoa vẫn cố gắng đảm bảo như mọi năm bởi nhân lực tập trung toàn “cây nhà lá vườn” của Saigontourist” - ông Trần Hùng Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Tết.

Chung tay

Xuân đồng bằng tiếp tục được thể hiện trong Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ
Xuân đồng bằng tiếp tục được thể hiện trong Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ.
 

Để triển khai thành công sự kiện Đường hoa, hằng năm cứ vào tháng 6, ban tổ chức bắt đầu nhóm họp đưa ra các ý tưởng để nhà thiết kế của Saigontourist phác họa và đưa ra các ban ngành đóng góp ý kiến.

Khâu triển khai là công việc của các nghệ nhân đang làm việc tại các khu du lịch Bình Quới 1-2, Văn Thánh, Tân Cảng... những điểm đến trong thành phố có bối cảnh làng quê sông nước như thật.

Những tiểu cảnh được các nghệ nhân thực hiện từ những khu du lịch này với nguồn nguyên vật liệu thô từ các vùng miền được tìm tòi, sưu tập và chế tác với giá thành thấp nhất.

Ông Việt viện dẫn, chủ đề Đường hoa Tết Qúy Tỵ năm nay là “Trái tim Việt Nam”, với điểm nhấn chính là 54 hình trái tim cách điệu làm bằng mây tre, bên trong là hoa tươi được trang trí thêm thổ cẩm, những “cồng chiêng hoa”...

Những “trái tim” được đặt xung quanh tượng đài Bác Hồ, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt, 3 cụm chủ đề còn lại là Xuân non cao, Xuân đồng bằng và Xuân biển đảo được chia làm 3 khu vực chính.

Trong đó, chủ đề Xuân biển đảo được chọn thể hiện ở khu vực giáp đường Tôn Đức Thắng ngay cạnh bờ sông Sài Gòn. “Trung tâm” khác biệt năm nay của Đường hoa 10 tuổi chính là sự tập trung của các linh vật thể hiện qua các năm của Đường hoa trước đó.

Theo ban tổ chức, cũng như những năm gần đây, Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành điểm đến không chỉ của người dân trong thành phố mà còn ở các tỉnh thành, thu hút trung bình từ 800.000 - 1 triệu lượt khách.

Từ giữa năm, các hãng lữ hành quốc tế đã đưa Đường hoa cùng Lễ hội Tết vào trong các sản phẩm tour để chào và bán cho du khách nước ngoài. Năm nay, Đường hoa sẽ mở cửa trong 7 ngày, từ lúc 19 giờ, 27 tháng chạp đến 22 giờ mùng 4 Tết.

Pháo hoa giao thừa bắn tại 7 điểm, gồm 1 điểm tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), còn lại là tầm thấp ở công viên Đầm Sen và 5 điểm khác ở khu vực rải đều các quận, huyện…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG