Cổ vật Quảng Ngãi vẫn khó lên bờ

Cổ vật Quảng Ngãi vẫn khó lên bờ
TP - Thuộc diện khai quật khẩn cấp, nhưng nhiều tháng nay cổ vật dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn nằm im lìm dưới biển.

> Triển lãm cây bạc tỷ: Vui là chính, được giá thì bán
> 40.000 cổ vật trên con tàu đắm

Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho hay: Đến nay, tỉnh phê duyệt xong phương án khai quật di sản văn hóa dưới nước. Theo đó Cty TNHH Đoàn Ánh Vương (TP Hồ Chí Minh) được chọn tham gia khai quật cổ vật.

Phương tiện, con người phục vụ công tác này được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, thận trọng với 5 tổ chuyên môn, gồm: tổ chuyên gia, tổ kỹ thuật, tổ bảo quản, tổ bảo vệ giám sát... được ấn định.

Sở VH-TT&DL vừa được tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, làm việc với Cty TNHH Đoàn Ánh Vương (nhà đầu tư) về các phương án phân chia hiện vật sau khai quật trên cơ sở tình hình thực tế.

Trong đó, phương án 1 có tỷ lệ phân chia hiện vật sau khai quật là 33-67. Nhà nước giữ 33% hiện vật, còn lại là nhà đầu tư. Trường hợp hiện vật độc bản thì nhà nước giữ, hiện vật có hai bản thì nhà nước 1, nhà đầu tư 1.

Hiện vật có số lượng lớn, tính theo nguyên tắc chia ba, nhà nước 1 phần, nhà đầu tư 2 phần. Riêng xác tàu đắm và các vật dụng của thủy thủ (nếu có) nhà nước giữ.

Phương án 2: Tỷ lệ phân chia hiện vật sau khai quật là 30 - 70. Cụ thể, nhà nước giữ 30% hiện vật và hiện vật độc bản, xác tàu đắm và các vật dụng của thủy thủ (nếu có); nhà đầu tư giữ 70% số hiện vật còn lại.

Theo TS.Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, Ban chỉ đạo khai quật cổ vật: Hai bên nghiêng về phương án 33-67, quyết định cuối cùng phải chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Việc khai quật cổ vật đưa lên bờ, có giá trị rất lớn không chỉ về mặt kinh tế mà công tác nghiên cứu, đánh giá cổ vật, tìm hiểu nét văn hóa biển.

Theo sở VH-TT&DL tỉnh: Ước tính có khoảng 40.000 hiện vật, trị giá hơn 50 tỷ đồng. Dự kiến thời gian khai quật tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi hai bên (địa phương và công ty khai quật) thống nhất, ký hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay thời điểm ký hợp đồng đến giờ chưa thể ấn định.

Hiện đơn vị chức năng chỉ mới tiến hành chuẩn bị nhà bảo vệ, kho bảo quản, địa điểm xử lý mặn, tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường và tuyên truyền vận động người dân…

Ông Khôi cho rằng: Cái khó hiện nay là thời tiết không thuận lợi, cuối năm biển động, khu vực tàu đắm lại nằm ngay dưới chân sóng lớn. Kết quả khảo sát hiện trạng tàu cổ bị đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển cho thấy, xác tàu có có chiều dài 22 mét, chiều ngang 4,8 mét nhiều phần bị bị vùi lấp dưới cát.

Khoảng 0,9 mét chiều dài cùng phần mũi tàu bị vùi dưới lớp cát khoảng 0,5m. Do đó, việc khai quật tiến hành thận trọng, trong điều kiện phù hợp. “Dự kiến sớm nhất phải ra Tết mới có thể bắt đầu khai quật”, ông Khôi nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu: Địa phương mong sớm tiến hành khai quật để ổn định tình hình, an ninh trật tự và không gây sự xáo trộn lớn như hiện nay.

Kết quả khảo sát, giám định cổ vật cho thấy cổ vật chia làm 2 loại, gồm đồ celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men thông dụng, có niên đại từ khoảng thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhận định ban đầu tàu là loại thương thuyền thuộc con đường tơ lụa trên biển. Trong lúc neo trú tại khu vực trên, có thể bị phát hỏa (hoặc do bắn cháy) và chìm nhanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.