Ngang nhiên phá dỡ tàu ngoại trái luật

Ngang nhiên phá dỡ tàu ngoại trái luật
TP - Những ngày này, tàu biển Green Viship (quốc tịch Mông Cổ, đóng năm 1986) đang được phá dỡ thành từng đống sắt vụn để bán ngay tại khu vực sông Cấm (vùng nước thuộc Cty Cổ phần Bến bãi Hải Phòng quản lí, số 57 Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

> DN trong nước bị hãng tàu nước ngoài tận thu cước phí vận chuyển
> Áp dụng biện pháp mạnh với phí vô lý của chủ tàu ngoại

Luật Bảo vệ Môi trường tại điểm b, khoản 1, Điều 42 qui định: “Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”.

Từ 2006 đến nay, việc nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ ở Việt Nam đã bị cấm hoàn toàn. Việc nhiều tàu biển cũ, mang quốc tịch nước ngoài đến vùng nước Hải Phòng xin neo đậu rồi bí mật bị hóa kiếp thành sắt vụn là vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng, cho biết mới đây, tàu Hufa Star 01, trọng tải 6.300 tấn, quốc tịch Mông Cổ được đưa về vùng nước Hải Phòng neo đậu. Thực tế, tàu đang bị cắt thành đống sắt vụn.

Để che mắt mọi người, hòng qua mặt cơ quan chức năng, chủ tàu Green Viship cho thợ quét sơn lên tên tàu. Phải đến sát, nhìn thật kĩ, mới phát hiện phía sau lớp sơn mới bao phủ là tên Green Viship.

Hàng chục công nhân với máy hàn, cắt, cưa cùng các phương tiện khác thi nhau xẻ thịt tàu.

Ngày 20-1, tại hiện trường, PV Tiền Phong ghi nhận hình ảnh Green Viship bị cắt nham nhở, toàn bộ ca-bin, cần cẩu, đuôi tàu... đã bị cắt rời đưa lên bờ.

Tàu có trọng tải 6.606 tấn, dài 110m, rộng 18m, đóng tại Nhật Bản năm 1986. Con tàu này vốn là của Cty Cổ phần Vận tải Biển Viship (trụ sở ở đường Thái Thịnh, Hà Nội).

Tháng 11-2012, Cty Cổ phần Thương mại Đại Huy (trụ sở ở đường Hùng Vương, Hải Phòng) mua lại tàu với giá 14 tỷ đồng.

Ngày 4-12-2012, Giám đốc Cty cổ phần Thương mại Đại Huy Nguyễn Công Đạt gửi công văn đến Cảng vụ Hải Phòng đề nghị được đưa tàu Green Viship về khu neo đậu hiện nay là vùng nước của Cty Cổ phần Bến bãi Hải Phòng để “tiến hành kiểm tra, khảo sát lập kế hoạch đưa vào sửa chữa...”. Tuy nhiên, khi yên vị bên sông Cấm, tàu ngay lập tức bị phá dỡ.

Cơ quan chức năng bị qua mặt?

Phát hiện điều bất thường này, Cảng vụ Hải Phòng lập tức yêu cầu Cty cổ phần Thương mại Đại Huy “dừng ngay việc cắt dỡ tàu Green Viship...”. Ngày 8-1, Cảng vụ Hải Phòng gửi công văn báo cáo các cơ quan chức năng Hải Phòng về vụ xẻ thịt tàu.

Khi PV Tiền Phong liên lạc với ông Nguyễn Công Đạt trao đổi về việc phá dỡ tàu, ông Đạt nói không biết việc này vì đã bán lại tàu cho một công ty tên là Mạnh Thắng. Ông Đạt nói mình cũng không biết rõ về công ty Mạnh Thắng.

Về việc phá dỡ trái phép tàu Green Viship, lãnh đạo Sở TN&MT Hải Phòng cho biết đã lập biên bản và báo cáo lãnh đạo thành phố để chờ ý kiến xử lí. Hải quan Hải Phòng cho biết không hề làm thủ tục nhập khẩu cho Green Viship vào Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.