'Quan' kiện dân ở cột mốc số 0

'Quan' kiện dân ở cột mốc số 0
TP - Thị trấn miền núi Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An thời gian gần đây xôn xao một sự kiện lạ đời: “quan” kiện...dân. Chuyện bắt đầu từ 9 kiốt gần cột mốc số 0 (di tích lịch sử) trên đường Hồ Chí Minh...

> Chủ tịch tỉnh thua kiện dân

Hợp đồng 20 năm, vận động dân ký 1 năm

Năm 2007, 9 hộ dân thị trấn Tân Kỳ trúng thầu kiốt kinh doanh tại khu vực gần cột mốc số O. Đây là một vị trí đắc địa nằm sát đường HCM và ngã ba giao thông của thị trấn.

Ông Nguyễn Công Ngọ - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ lúc bấy giờ đã ký với các hộ dân bản hợp đồng cho thuê kiốt với thời hạn 20 năm. 9 hộ dân đã nộp tiền thuê cho cả 20 năm đó (55 triệu - 60 triệu đồng/1kiốt) và họ yên tâm đầu tư vào ki ốt làm ăn buôn bán.

Nhưng 2 năm sau, ngày 5-11-2008, UBND huyện Tân Kỳ có văn bản kết luận việc UBND thị trấn Tân Kỳ ký hợp đồng thuê ki ốt 20 năm là trái thẩm quyền.

Để “chữa cháy” cho việc làm sai trái đó, UBND thị trấn Tân Kỳ đã trực tiếp và thông qua các đoàn thể xã hội vận động 9 hộ dân ký hợp đồng thuê ki ốt vào bản hợp đồng với thời hạn 1 năm.

Theo 9 hộ dân, lúc đó ông Ngọ giải thích việc ký hợp đồng thứ 2 này là để đối phó với “cấp trên” còn thực chất vẫn thực hiện hợp đồng thứ nhất.

Vì vậy, UBND thị trấn Tân Kỳ không trả lại số tiền mà dân đã nộp thuê ki ốt trong vòng 20 năm.

Trong một văn bản có xác nhận của Mặt trận tổ Quốc, Hội nông dân, Ban Tài chính, Hội Cựu chiến binh thị trấn, đã thừa nhận: “Vận động các hộ ký hợp đồng từng năm một là giải pháp tình thế để giúp UBND ổn định tình hình chính trị, hợp đồng 20 năm thực tế còn giá trị”.

Nhưng sau khi nghe lời ông chủ tịch UBND thị trấn ký vào bản hợp đồng 1 năm thì các hộ dân bất ngờ nhận được quyết định thu hồi đất trong đó có phần đất mà 9 ki ốt trên đang tọa lạc để giao cho công ty Văn Minh xây dựng Trung tâm thương mại.

Ngày 31-12-2010, UBND thị trấn thanh lý hợp đồng thuê ki ốt với 9 hộ dân. Nhưng 9 hộ dân không chấp nhận phương án trả lại tiền thuê kiốt của UBND thị trấn Tân Kỳ.

Đứng trước việc 9 hộ dân không chấp nhận phương án đền bù, ông Phạm Huy Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn đã làm một việc “hiếm” thấy: kiện 9 hộ dân ra toà. Căn cứ để ông Hoàng kiện dân dựa vào hợp đồng thuê kiốt lần 2 có thời hạn 1 năm mà UBND thị trấn Tân Kỳ từng vận động 9 hộ dân ký để đối phó với “cấp trên”.

Kiện dân và dân kiện

Ngày 27-4-2012, TAND huyện Tân Kỳ đưa vụ án ra xét xử và quyết định buộc các hộ dân trả lại ki ốt cho UBND thị trấn Tân Kỳ và chấp nhận sự thỏa thuận của UBND thị trấn hoàn trả số tiền cho thuê ki ốt từ hơn 47 triệu đồng - 60 triệu đồng/hộ.

Toà án bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của 9 hộ dân và buộc họ phải nộp án phí dân sự từ 7 đến 18 triệu đồng.

Không đồng tình với bản án, 9 hộ dân đã kháng cáo. Ngày 28-9-2012, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên toà phúc thẩm và sau đó tuyên án với nội dung gần giống với sơ thẩm, chỉ thay đổi hai điểm: tăng tiền bồi thường cho mỗi hộ dân lên trên 80 triệu đồng và không buộc dân phải nộp tiền án phí.

9 hộ dân phản đối quyết định này và đã gửi đơn ra TAND Tối cao đề nghị giám đốc thẩm.

Trả lời câu hỏi: “Vì sao chọn giải pháp kiện dân?” ông Phạm Huy Hoàng (đã bị kỷ luật giáng cấp từ chủ tịch xuống phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ) cho hay: “Vì các hộ dân không chấp nhận phương án của thị trấn, không thỏa thuận và hoà giải được nên chúng tôi phải kiện ra toà”.

Theo ông Hoàng việc vận động dân ký hợp đồng 1 năm với thị trấn là trách nhiệm của ông Ngọ (chủ tịch trước đây).

Ông Phan Văn Hoá, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ thừa nhận lãnh đạo thị trấn đã sai dẫn đến những rắc rối bây giờ và gây thiệt thòi cho người dân: “Lãnh đạo thị trấn báo cáo lên huyện đã xử lý việc 9 ki ốt nhưng chỉ chuyển hợp đồng 1 năm lên. Việc nói dân cứ thực hiện hợp đồng 20 năm, còn giờ thực hiện hợp đồng giả 1 năm. Hợp đồng một năm mà không trả lại tiền thuê 20 năm cho dân vì họ nói thời điểm đó thị trấn không có tiền”.

Một vụ việc kéo dài 3 đời Chủ tịch huyện và 3 đời Chủ tịch thị trấn vẫn chưa đến hồi kết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG