Tết sớm biên cương

Tết sớm biên cương
TP - Những ngày cuối năm giá rét, chúng tôi có dịp lên vùng biên giới Việt – Lào thuộc địa phận huyện Tây Giang (Quảng Nam) đón tết sớm cùng đồng bào và chiến sĩ khi lộc xuân đã chớm nụ khắp núi rừng.

> Quà Tết cho người nghèo vùng biển
> Tình quân dân nơi biên cương

Ấm lòng chiến sĩ nơi biên cương

Đồn biên phòng 649 ở xã A Xan (Tây Giang) nằm giữa lưng chừng trời. Để lên đến đồn phải mất gần nửa ngày theo tuyến đường biên giới mới mở sình lầy, quanh co với những con dốc cao dựng đứng.

Đồn có nhiệm vụ đảm trách an ninh trật tự, bảo vệ biên cương thuộc địa phận hai xã A Xan và Tr`hy.

Từ một xã nghèo, A Xan, Tr`hy đã trở thành xã điểm về xây dựng nông thôn mới của Tây Giang. Miền biên giới đổi thay từng ngày cũng nhờ một phần công sức của các chiến sĩ biên phòng đồn 649.

Những ngày cuối năm, không khí Tết đã về với cán bộ và chiến sĩ nơi đây. Chương trình đón Tết sớm cho cán bộ chiến sĩ ở lại làm nhiệm vụ được tổ chức ấm áp và thân mật.

Đa phần cán bộ chiến sĩ vì nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra biên giới nên phải xa gia đình ở lại đón Tết. Tiền đồn heo hút nhưng các chiến sĩ vẫn ấm lòng.

Thượng tá Dương Phước Long, chính trị viên đồn biên phòng 649 tâm sự: “Mỗi lần xuân về, anh em chiến sĩ chúng tôi đều thấy nôn nao. Vì nhiệm vụ nên phải xa gia đình, người thân trong những ngày Tết. Tết sớm giúp chiến sĩ ấm lòng, vơi đi nỗi lòng người ở nơi tiền đồn”.

Khói bếp lan tỏa trong sương núi, dãy nhà ăn của đồn 649 anh em chiến sĩ rộn ràng hẳn với lợn, gà, bánh chưng. Những cành đào rừng được mang về trang điểm thêm sắc xuân cho đơn vị.

Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn, tổ trưởng tổ trinh sát của đồn vừa gói bánh chưng vừa tâm sự: Tết ở biên cương luôn nhận được tình cảm của người dân và chính quyền địa phương nên nỗi niềm nhớ nhà nhớ quê trong anh em cũng vơi đi, tình quân dân thêm thắm thiết.

Đối với Trung úy Dơ Zâm Thân, những ngày sát Tết lại tràn ngập niềm vui bởi cô vợ mới cưới Hồ Thái Châu lặn lội hơn 200km từ Phước Sơn qua thăm chồng.

Tình yêu của anh chiến sĩ chớm duyên cùng thiếu nữ Cơ Tu ở Phước Sơn xa xôi qua những lá thư làm quen. Rồi 7 tháng trước, đám cưới nhà binh diễn ra trong niềm vui của cả đơn vị.

Biết chồng không về quê đón Tết, Châu một mình chạy xe máy lên thăm chồng. Cưới nhau, nhưng thời gian 2 vợ chồng bên nhau còn ngắn ngủi bởi Châu đang còn theo học Đại học ở TP Hồ Chí Minh, Thân vì nhiệm vụ nên ít được về quê. Lên thăm chồng Châu mang theo kẹo bánh, mứt tết, bánh chưng, giò chả làm quà cho anh em đơn vị.

Rộn ràng núi rừng

Ngôi nhà Gươl thôn A Rần 1 xã A Xan - ngôi nhà Gươl thứ 50 của Tây Giang khánh thành đúng dịp Tết cận kề.

Mừng nhà Gươl, đêm liên hoan văn nghệ do huyện Đoàn Tây Giang và đồn biên phòng 649 tổ chức dù trong giá rét nhưng hàng trăm người dân vẫn đến xem đông kín.

Lời ca tiếng hát vang giữa núi rừng làm không khí tết càng thêm rộn ràng. Những suất quà đến tay những em học sinh nghèo, gia đình khó khăn làm ấm lòng người dân địa phương.

Người dân A Xan tưng bừng trong lễ hội đâm trâu truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thành
Người dân A Xan tưng bừng trong lễ hội đâm trâu truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thành .

Lễ hội đâm trâu, truyền thống của người dân tộc Cơ Tu được tổ chức đúng dịp này. Từ sáng sớm, người dân từ những bản làng xa xôi lặn lội đến A Rân 1 để vui hội.

Lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì, 50/70 khu dân cư của huyện Tây Giang đã có nhà Gươl, nỗ lực của huyện trong việc gìn giữ nét bản sắc của người dân vùng cao miền biên giới.

Tết này nhiều người dân xã A Xan được đón Tết trong những ngôi nhà mới, khang trang. Niềm vui nhân đôi, khi những phần quà ý nghĩa đến tay những hộ nghèo.

Gia đình anh A Lăng Hây và chị Hôih Thị Biếc ở thôn A Rân 3 vừa dọn đến ngôi nhà mới do người dân, chính quyền đóng góp và đồn biên phòng 649 hỗ trợ xây dựng nên.

Căn nhà khang trang là ước mơ của hai vợ chồng nay đã thành sự thật. Được đồn biên phòng tặng thêm tivi, quà đón Tết với gia đình anh Hây và nhiều gia đình khác ở thôn A Rân 3 Tết năm nay sẽ ấm áp hơn nhiều, người dân ai cũng phấn khởi.

Già Làng Zơ Râm BLùa vui mừng: “Dân làng từ rừng núi thiếu ăn nay được chuyển về khu dân cư mới khang trang sạch đẹp, ấm no không lo thiếu đói. Tết nay có nhà Gươl, lễ hội truyền thống được phục dựng như ngày xưa, dân làng mừng lắm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG