Lấy phiếu tín nhiệm, sợ nhất là 'hòa cả làng'

Lấy phiếu tín nhiệm, sợ nhất là 'hòa cả làng'
TPO - Hôm nay 16-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ‘chốt’ Quy trình trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.

>Thông qua Nghị quyết hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm

> Những chức vụ nào được lấy phiếu tín nhiệm?

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với Tiền Phong, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng đây là bước tiến tích cực, nhưng đòi hỏi bản lĩnh của ĐBQH và cả người được lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Bỏ phiếu tín nhiệm là một tập quán quốc tế, nhưng với Việt Nam lại là điều mới vì vậy việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn ban đầu. Tôi không nghĩ cơ chế hoàn thiện được ngay trong những lần đầu tiên, nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh xem không hợp vì lý do gì. Chúng ta không đặt hy vọng quá lớn, nhưng rõ ràng đây là bước tiến cần thiết.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm đặc biệt quan trọng vì liên quan tới sinh mệnh chính trị của từng người và tôi đã từng nêu lo lắng nhất của mình chính là ở thái độ của các ĐBQH. Những người được dân bầu liệu có hành xử đúng với vai trò là đại biểu của dân không, hay hành xử với nhiều cân nhắc khác. Điều này, cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ và ông cũng có lo lắng giống tôi.

Ông quan tâm tới điều gì trong việc bỏ phiếu tín nhiệm, một việc làm theo ông là mới mẻ ở Việt Nam?

Tôi cho rằng có hai điều đáng lo ngại. Thứ nhất, về cách lấy phiếu tín nhiệm hiện nay vẫn trên cơ sở là ý kiến của các ĐBQH. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế giám sát kỹ năng, chất lượng và hiệu quả thực thi vai trò của các ĐBQH. Việc ĐBQH bấm nút hay bỏ phiếu kín đều khiến cho người dân – cử tri không giám sát được ĐBQH. Người dân không rõ ĐB có đáp ứng yêu cầu của họ, có làm theo ý nguyện và sự tin tưởng của mình hay không?

Thứ hai, về phía các đối tượng bị - được bỏ phiếu. Họ sẽ tìm giải pháp an toàn và vo tròn mình lại. Điều này sẽ triệt tiêu các nhân tố mới, các cá tính mạnh, những người dám ‘phá rào’… vốn là những nhân tố cần thiết cho thời điểm cần sự đột phá như hiện nay.

Tến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Thành uỷ Hà Nội ngày 8.1. Ảnh: X.T - Lao động
Tến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Thành uỷ Hà Nội ngày 8.1. Ảnh: X.T - Lao động.

Lo 'hoà cả làng'

Ông có ý kiến gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của lãnh đạo TP Hà Nội gần đây?

Như tôi quan sát, Hà Nội có bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không ai rõ kết quả cụ thể ra sao. Tôi lo rằng sẽ có tâm lý “hòa cả làng” trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. Và muốn phá bỏ được điều này cần phải có sự giám sát của công luận. 

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao năng lực dân chủ của mình, cần cho họ công cụ, cho họ được thực thi. Dân chủ là một quá trình và thúc đẩy dân chủ như một tiềm năng, cần được đánh thức và tổ chức nó.

Theo ông, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ mang lại những hiệu quả gì?

Cuộc lấy phiếu này cũng là một thử thách cho chính QH . Việc bỏ phiếu tín nhiệm, nếu kết quả cuối cùng không phản ánh đúng lòng dân thì QH sẽ mất uy tín. QH muốn mạnh thì phải nâng cao trách nhiệm của đại biểu,mạnh dạn  tháo bỏ những cơ chế không cần thiết, không còn phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, QH đang có vị thế, nếu không giữ được vị thế thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Hơn nữa, đây cũng là thử thách đối với lòng dũng cảm của những người cộng sản. Nếu trước kia chúng ta dám đứng trước hòn tên mũi đạn để giành độc lập tự do, thì nay thời thế lại đặt chúng ta đứng trước thử thách về lòng tin.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, để việc đánh giá của đại biểu chính xác và khách quan, Thường vụ QH cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, quy định rõ các nội dung mà nhân sự phải giải trình trước QH. Trong công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị. Trường hợp QH miễn nhiệm một nhân sự nào đó, thì phải bầu được ngay người thay thế tại cùng một kỳ họp.

Ngày 8-1, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội đã tiến hành thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với 17 đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và 3 đồng chí thành ủy viên là phó chủ tịch HĐND, UBND TP. Đã có 69 đồng chí trong tổng số 75 thành ủy viên tham gia bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả kiểm phiếu chỉ được công bố công khai trước hội nghị vào cuối buổi họp, chứ không công bố cho báo chí. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy không có hiện tượng bất thường khiên cưỡng, không có ai đạt tỉ lệ 100% xuất sắc cũng như không có ai bị đánh giá quá yếu kém

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.