> Hàng giả, hàng lậu ồ ạt về Hà Nội
> Vi phạm an toàn thực phẩm gia tăng
Nước mắm đã đóng chai thành phẩm tại cơ sở Đông Hải (71 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Khoảng 10h30 ngày 10-1, đội Cảnh sát môi trường số 2 (thuộc phòng PC49, Công an TP Hà Nội) phối hợp đội Quản lý thị trường số 6 (thuộc Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh nước mắm Đông Hải (71 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).
Chủ cơ sở này là bà Trần Thị Hồng (SN 1967, hộ khẩu thường trú tại số 67+71, tổ 39, phường Mai Dịch).
Tổ công tác phát hiện cơ sở này đang bày bán nhiều loại nước mắm đóng chai thành phẩm, dung tích 1000ml với nhiều nhãn hiệu khác nhau.
Trong kho hàng, tổ công tác còn phát hiện hàng trăm can nhựa đựng nước mắm loại 20 lít.
Những chai nước mắm này đều có ghi hạn sử dụng bằng giấy dán ngoài, thời gian 12-2-2014 và 20-2-2014. Tuy nhiên, khi bóc phần giấy ghi hạn sử dụng trên, thì hạn sử dụng được in trên nhãn chính thức là tháng 12-2012 và năm 2011.
Ngoài ra, còn một lượng lớn các nhãn chưa sử dụng cũng ghi hạn sử dụng là 12-2012.
Hạn sử dụng trên chai nước mắm được thay đổi. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Chủ cơ sở kinh doanh Trần Thị Hồng khai nhận, mua hai loại nước mắm (loại 15.000đ/lít và loại 5.000đ/lít) của các cơ sở kinh doanh khác trên thị trường, nhưng không có hóa đơn. Sau đó, cơ sở này trộn hai loại nước mắm trên theo tỉ lệ khác nhau thành những sản phẩm "chất lượng cao", bán ra thị trường.
Bên trong kho chứa nước mắm của cơ sở sản xuất nước mắm Đông Hải. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Tỉ lệ pha chế thường là 50% nước cốt ngon – 50% nước cốt rẻ để cho ra loại chai 1000ml bán giá 16.000đ; 70% nước cốt ngon – 30% nước cốt rẻ cho ra loại chai giá 20.000đ.
Những can nước mắm loại 20 lít bên trong kho hàng. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Lý giải việc dán hạn sử dụng giả, bà Hồng cho biết, do cơ sở đã đặt in nhãn số lượng lớn từ trước, không dùng hết nên dán nhãn mới.
Việc dán nhãn của hãng nước mắm khác, theo bà Hồng, để tiết kiệm chi phí (?). Bà Hồng thừa nhận, việc dán nhãn của hãng nước mắm khác là sai.
Đoàn kiểm tra niêm phong lô hàng bị phát hiện. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Bà Hồng xuất trình cho đoàn kiểm tra bản phô tô không có dấu sao y bản chính đối với giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Hồng cam kết sẽ xuất trình bản gốc vào buổi làm việc tiếp theo.
Ngoài ra, cơ sở này cũng không có bản công bố chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Các chỉ số tiêu chuẩn trên chai nước mắm thành phẩm của cơ sở này là số của cơ sở khác hiện đã ngừng sản xuất.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, niêm phong 16 thùng sản phẩm nước mắm (240 chai), lấy mẫu về kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 9-1, đội Cảnh sát môi trường số 2 (thuộc phòng PC49, Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất nước hàng cốt dừa tại thôn Cao Xá Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cơ sở này do ông Ngô Văn Vinh (1964) và Nguyễn Thị Xuyến (1967) làm chủ. Cơ sở này không đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đoàn kiểm tra đã thu giữ hơn 60.000 lọ nước hàng cốt dừa Bến Tre. |