Méo mặt nhìn Tết đến

Méo mặt nhìn Tết đến
TP - Nhiều công nhân ở TPHCM, Bình Dương ngán ngẩm khi Tết đã cận kề, trong khi chẳng những lương thưởng không thấy đâu, mà ngay cả miếng ăn cũng phải chạy vạy đắp đổi qua ngày.

> Điểm danh doanh nghiệp ‘trốn’ lương, thưởng tết
> Nhiều DN ở Hải Phòng không thưởng Tết

Những công ty, xí nghiệp phá sản, hết vốn, nhiều công trình đang dở dang, chủ thầu bỏ đi, để mặc công nhân sống lay lắt.

Mất việc, bỏ xóm trọ

Đã mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ khu xóm trọ trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức, TPHCM) chưa thu được tiền phòng trọ. Tối qua, hai công nhân ở chung phòng đã lặng lẽ dọn đồ đi, xù của bà gần 10 ngày tiền phòng.

“Mấy đứa năn nỉ mãi, tui mới không lấy tiền đặt cọc, ở tháng nào trả tháng đó. Dãy phòng trọ của tui được hơn 10 phòng, chỉ mới thu tiền 2 phòng. Các phòng khác đều kêu cuối năm hết tiền. Giờ không lẽ đuổi đi hết?”, bà Hoa nói.

Theo lời bà Hoa, nếu như trước kia, công nhân sống trong xóm thanh toán tiền nhà rất đúng hẹn thì khoảng nửa năm trở lại đây, bà phải chấp nhận cho hoãn thu tiền phòng sau gần 10 ngày.

Hồ Văn Xuân, 26 tuổi, công nhân sản xuất linh kiện điện tử, điện lạnh, quê ở Quảng Bình, hiện sống cùng 3 người bạn công nhân trong xóm trọ.

Trước đây, Xuân làm trong công ty, được đóng bảo hiểm, bao ăn trưa, lương tầm 3,5 triệu đồng. Cuối tháng, Xuân vẫn tích góp được chút ít tiền tăng ca gửi về giúp đỡ gia đình. Đột nhiên, công ty thông báo cắt giảm lao động. Thất nghiệp, Xuân in một xấp giấy rao sửa chữa ti vi, tủ lạnh tận nhà rồi mang dán khắp nơi.

“Có ngày được hai ba trăm, nhưng cũng có hôm không có ai kêu. Giờ Tết sắp đến rồi mà tôi vẫn chưa mua được vé xe về quê ăn Tết”, Xuân nói. Mấy người bạn cùng phòng than: “Tết này ở lại đây, đắp chăn đóng cửa phòng trọ ngủ vậy”.

Nằm dài chờ Tết

Ghé qua xóm công nhân xây dựng ở phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương), dù đang vào buổi sáng, nhưng trên công trường chẳng có bóng người.

Uể oải trở mình trên chiếc võng, chị Hồ Thị Sen, công nhân ở đây, cho hay: “Chủ thầu bỏ đi đâu biệt tăm cả mấy tháng nay. Công trình đang xây dở thì phải ngưng. Cánh đàn ông đi chạy xe ôm, làm thuê chỗ khác hết rồi. Phụ nữ tụi tui không có việc làm, ở nhà ngủ thôi”.

Chị Sen cho biết, đã 2 tháng nay, họ chưa được nhận lương, trong khi ông chủ hứa sẽ thanh toán hết trước Tết, nên ai cũng cố nán lại.

Khu xóm trọ công nhân ở khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) trước đây vắng hoe mỗi tối vì công nhân đi làm tăng ca. “Giờ tối nào cũng vui như hội”, bà Bảy, chủ xóm trọ, kể.

Ngoài sân, nhóm nam công nhân quê Thanh Hóa ngồi hút thuốc lào sau bữa cơm tối. Trong các phòng trọ, người thì nằm ngủ, người xem tivi.

“Nhìn yên bình không? Chẳng có việc gì làm hết. Vào độ này năm ngoái tăng ca chóng cả mặt, cuối năm được mấy triệu về quê. Giờ thì ngồi đó mà nhăn răng với nhau hết”, anh Lê Văn Dương (35 tuổi) nói.

SANYO OPT Việt Nam chấm dứt hoạt động, gần 4.000 người mất việc

Ngày 8-1, Cty linh kiện điện tử SANYO OPT Việt Nam thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 3.700 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), do chấm dứt hoạt động sản xuất.

Theo thông báo này, nguyên nhân khiến SANYO OPT Việt Nam phải tuyên bố chấm dứt hoạt động là do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lỗ quá lớn và không có đơn hàng mới.

SANYO OPT Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, đi vào hoạt động từ năm 2007, sản xuất mắt thần quang học và các sản phẩm điện tử liên quan. Có thời điểm, doanh nghiệp này sử dụng đến 7.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 90 triệu USD/năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.