Tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến

Tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến
Ngày 8-1, tại Hội nghị Toàn quốc Triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “Việc lấy ý kiến dân về Hiến pháp là thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân với các vấn đề quốc gia đại sự, tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến”

> Mời bạn đọc góp ý Dự thảo Hiến pháp năm 1992

 Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của nhân dân. Ảnh: Minh Thăng
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của nhân dân. Ảnh: Minh Thăng.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp, một công việc hệ trọng của quốc gia. Trong lịch sử lập hiến, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi Hiến pháp đều tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Ông Hùng cho hay, việc làm này xuất phát từ tư tưởng tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Cũng theo Chủ tịch QH, việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân với các vấn đề quốc gia đại sự, tạo điều kiện cho người dân thể hiện quan điểm, chính kiến.

Ông Hùng nhấn mạnh, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp và thực chất của nhân dân.

“Để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo”, ông Hùng khẳng định.

Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc lấy ý kiến phải đảm bảo bao gồm nhiều hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người Việt trong và ngoài nước đều có thể tham gia góp ý.

“Việc lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu giải trình nghiêm túc”, ông Lý nói.

Cũng theo ông Phan Trung Lý, để việc lấy ý kiến nhân dân đi vào thực chất, yêu cầu đặt ra là báo cáo tổng hợp phải được phản ánh đầy đủ mọi ý kiến dân gửi đến.

Chẳng hạn, phải có đánh giá chung về bản dự thảo, ý kiến về từng nội dung, về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp. Theo đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành với đầy đủ lý do cụ thể. Báo cáo giải trình cũng phải làm rõ các nội dung sẽ sửa đổi, nội dung được bổ sung mới hoặc nội dung được đưa ra khỏi bản dự thảo…

Về lộ trình thực hiện, ông Phan Trung Lý cho hay, bắt đầu từ tháng 1 cho đến hết tháng 2 sẽ tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân. Chậm nhất đến giữa tháng 3, báo cáo tổng hợp của các bộ ngành phải được gửi đến cơ quan chức năng.

Dự kiến vào khoảng cuối tháng 4, ban biên tập sẽ trình dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để trình Ủy ban dự thảo xem xét, quyết định.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, cần có kế hoạch tuyên truyền để nhân dân tham gia đóng góp, kịp cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổng hợp trình Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 4 năm nay, sau đó xin ý kiến QH vào kỳ họp tháng 5. Ngoài ra, cần tập hợp những ý kiến tiếp tục góp ý sau thời điểm trên cho đến lúc dự thảo chính thức được thông qua.

Theo Lê Nhung
VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG