75 trận động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2

75 trận động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2
TP - Năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) gặp sự cố nước tuôn từ thân đập, hứng chịu 75 trận động đất lớn nhỏ...

> Động đất mạnh 4 độ Richter ở Bắc Trà My
> Lại động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2
> Dân vào cuộc cứu các dòng sông

Ngày 17-3, việc đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước được người dân phát hiện, báo chí phản ánh. Hơn 730 triệu m3 nước trở thành quả bom nước lơ lửng trên đầu hàng vạn người dân. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, báo chí bị “cấm cửa” đối với con đập này.

Ngày 13-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định chi hơn 50 tỷ đồng để sửa chữa, chống thấm tại thủy điện Sông Tranh 2. Chi phí xử lý các khe nhiệt có độ thấm nước lớn cần tới hơn 40,4 tỷ đồng, 20 khe nhiệt thấm ít hơn cần trên 5 tỷ đồng. Việc xử lý bê tông bị rỗ sẽ được chuẩn xác theo khối lượng thực tế. EVN còn chi 10% dự phòng (4,5 tỷ đồng).

Ngày 3-9, người dân huyện Bắc Trà My hoảng loạn khi trận động đất mạnh 4,2 độ richter xuất hiện, mở đầu cho những trận động đất mạnh kéo dài sau đó.

Và động đất lớn nhất ở Bắc Trà My ngày 15-11 có cường độ 4,7 độ richter, khiến người dân tại thành phố Tam Kỳ, nhiều nơi ở tận Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng xa hàng trăm cây số cũng cảm nhận được.

Hàng loạt đoàn từ trung ương, bộ ban ngành, cơ quan chức năng rầm rộ đến Bắc Trà My để kiểm tra, khảo sát, thăm hỏi, động viên người dân. Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Địa cầu và các cơ quan độc lập bắt tay tìm hiểu nguyên nhân.

Phát ngôn của các nhà khoa học, cơ quan chức năng nhiều khi mâu thuẫn nhau bị chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận phản bác.

Ngày 12-9, tại buổi làm việc giữa thuộc nhà khoa học các bộ, ngành trung ương Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải lên tiếng: Không thể yên tâm, vì thời gian khảo sát quá ngắn; phải đặt vấn đề an toàn cho dân lên hàng đầu.

Không thể so sánh Sông Tranh 2 với thủy điện Sơn La và Hòa Bình vì với hai công trình này, các nhà khoa học phản biện kỹ trước khi làm, còn Sông Tranh 2 thì ngược lại. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tuyên bố: “Dù 1% không an toàn cũng không cho tích nước”.

Sự bất thường của động đất, những mâu thuẫn trong chính những báo cáo của EVN, phát ngôn của các nhà khoa học khiến dư luận đặt thêm nhiều câu hỏi về thủy điện Sông Tranh 2. Báo cáo tác động môi trường của công trình này sơ sài và trùng lặp.

Việc báo cáo này ghi rõ “Hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không có khả năng gây động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường” càng làm dấy lên những nghi ngại về sự an toàn của thủy điện.

Động đất càng tiếp diễn, số lượng đoàn đến Bắc Trà My càng tăng. “Đoàn đến đoàn đi, động đất ở lại” trở thành câu nói cửa miệng của người dân địa phương.

Trong một cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My thốt lên: “Sẽ không tiếp đón các đoàn nữa, bởi đoàn đến quá nhiều, nhưng động đất vẫn tiếp diễn”. Một cán bộ Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Phải có ít nhất trên dưới 300 đoàn đến Bắc Trà My từ sau sự cố rò rỉ nước và động đất”.

Ông Nguyễn Thế Tài, Bí thư huyện ủy Bắc Trà My, khẳng định: “Động đất liên tiếp khiến mọi hoạt động kinh tế trên địa bàn gần như “đứng bánh”. Nếu động đất tiếp diễn thì mọi chính sách KT-XH lâu nay mà huyện nỗ lực có nguy cơ phá sản, nhất là chính sách đối với người dân tộc thiểu số, trong khi đây đang là huyện nghèo”.

Sông Tranh 2 trở thành vấn đề nóng, được nhiều đại biểu Quốc hội, ủy viên HĐND quan tâm.

Kỳ họp cuối cùng năm 2012 của HĐND huyện Bắc Trà My dành riêng một báo cáo về tình hình động đất. Từ ngày 3-9 đến nay, có ít nhất 75 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện, trong đó 4 trận có cường độ 4,2-4,7 độ richter. Động đất làm xáo trộn cuộc sống tại Bắc Trà My; tinh thần cán bộ và nhân dân đi xuống, giá bất động sản hiện chỉ bằng một nửa so với khi chưa có động đất…

Hơn 2,5 tỷ đồng là số tiền EVN đã hỗ trợ người dân Bắc Trà My khắc phục thiệt hại nhà cửa do động đất gây ra. UBND tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục kiến nghị hỗ trợ thêm 2,6 tỷ đồng.

Sau những gì xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, hàng chục dự án thủy điện khác tại Quảng Nam phải loại bỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG