> Nghi ngại đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A
> Một bản nhận xét bất thường về dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A
Không bác từ đầu, giờ rất khó bác
Thưa ông, trước sức ép của dư luận và nhiều nhà khoa học, liệu có khả năng Bộ TN&MT bác báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư dự án thủy điện ĐN 6&6A không?
Trừ phi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến của Quốc hội, Bộ TN&MT khó mà bác được báo cáo ĐTM. Hàng đống bất cập trong báo cáo ĐTM được chỉ ra, chủ đầu tư vẫn có thể vượt qua được mà.
Ông có nói đùa không?
Hoàn toàn nghiêm túc. Nào là nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn của đa dạng sinh học, nguy cơ mất rừng. Nào là nguy cơ làm mất cân bằng nước trên lưu vực sông Đồng Nai, nguy cơ vượt ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái ở đó.
Tất cả các nguy cơ ấy thực chất là gì? Thực chất chỉ là cảnh báo, là dự báo. Báo cáo ĐTM mà chủ đầu tư thuê làm cũng đề cập đến các nguy cơ đó nhưng khẳng định không sao.
Việc đó mới chỉ là dự báo, dự đoán thôi nên có thể đúng nhiều, đúng ít tùy thuộc vào nguồn thông tin, phương pháp dự báo có phù hợp nguồn thông tin hiện có hay không.
Tôi khó tin hiện tại ta có đầy đủ các thông tin cần thiết với độ tin cậy và tính cập nhật cần thiết để dự báo chính xác các tác động có thể xảy ra, nhất là thông tin về các thành phần môi trường sinh học, thủy văn v.v…
Vì thế, mọi dự báo, dự đoán đưa ra hôm nay đều cần được xem xét, theo dõi một cách toàn diện, khách quan và bình đẳng cho đến khi chúng được kiểm chứng trong thực tiễn. Mà thực tiễn đó có thể là 20-50 năm sau.
Kiểu lập luận như vậy có phải là nói cùn?
Có thể nói đó là kiểu lập luận bừa, thiếu thận trọng.
Chả nhẽ không thể dựa vào tiêu chí nào để xem dự báo, dự đoán nào gần thực tế hơn?
Vấn đề nằm ở chỗ đó. Hiện chúng ta thiếu rất nhiều căn cứ, chuẩn mực, tiêu chí để dự báo tác động (mà hiện tại ở ta gọi là “đánh giá tác động”) do các bên đưa ra.
Nghe nói, tư vấn và chủ đầu tư đã điều tra hàng tháng trời, ông nghĩ sao?
Nếu họ có đủ bằng chứng thì cứ yên tâm chờ hội đồng thẩm định thông qua. Nhưng tôi đồ rằng cả tư vấn và chủ đầu tư chưa thể có được cái đó. Kể cả bên phản biện, họ cũng chưa thể có. Để có được kết quả nghiên cứu đủ tin cậy không thể chỉ làm trong vài tuần như tư vấn ban đầu và không thể với dăm trăm triệu đồng. Phải làm 3-5 năm với tốn phí hàng triệu USD.
Vậy tại sao họ không làm?
Tốn tiền chứ sao. Nhưng cần bàn hơn cả là lỗ hổng luật pháp. Những lỗ hổng ấy mở đường cho không ít chủ đầu tư làm qua loa. Hiện chưa có bất cứ quy định hay hướng dẫn nào về mức kinh phí để lập báo cáo ĐTM đối với chủ dự án.
Nhưng thực tế cho thấy, mức kinh phí đã bỏ ra này là rất nhỏ so với yêu cầu. Đối với các dự án đầu tư trong nước, chủ dự án chỉ bỏ vài chục triệu đồng để lập cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) cho một dự án, từ dăm bảy chục triệu đến dăm bảy trăm triệu đồng lập báo cáo ĐTM cho một dự án.
Các dự án đầu tư nước ngoài khá hơn nhưng cũng chỉ từ một hai tỷ đồng để lập báo cáo ĐTM cho một dự án. Trong khi đó, kinh phí cho ĐTM của đa số quốc gia thường từ 1-4 triệu USD cho một dự án.
Thế có nghĩa báo cáo ĐTM của dự án ĐN 6&6A sẽ lọt qua được Luật BVMT?
Gần đúng như thế. Chúng ta vẫn chưa có được đầy đủ các chuẩn mực cần thiết cho ĐTM. Hiện tại mới có hai loại quy chuẩn Việt Nam (QCVN) phục vụ cho bảo vệ môi trường nói chung, cho ĐTM nói riêng.
Một là QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và, hai là, QCVN về chất thải. Với các dự án thủy điện, chỉ dựa vào hai QCVN ấy chẳng khác nào mở tung cho các báo cáo ĐTM được thông qua dễ dàng.
Sao lại thế được?
Hai loại QCVN này mới là chuẩn mực để đánh giá các tác động xảy ra liên quan chất thải, tức là khía cạnh “kiểm soát ô nhiễm” của ĐTM đối với dự án. Chứ chúng không giúp đánh giá được các tác động không liên quan đến chất thải, như sự xói mòn, sụt, lở, trượt đất; xói lở bờ sông, bờ biển; hạ thấp mực nước mặt và nước ngầm; xâm nhập mặn, phèn; thay đổi vi khí hậu; suy giảm hoặc mất cân bằng sinh thái, mất đa dạng sinh học..v.v… Nghĩa là, với khía cạnh “bảo tồn thiên nhiên” của ĐTM, hầu như không có chuẩn mực nào để bắt chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó thực hiện.
Cụ thể, với các dự án thủy điện, vấn đề chất thải hầu như không lớn, nhất là sau khi đi vào hoạt động. Vì thế khía cạnh “kiểm soát ô nhiễm” của ĐTM đối với dự án thủy điện không mấy tác dụng.
Trong khi đó, các tác động tiềm tàng khác mà thủy điện có thể gây ra lại thuộc về khía cạnh “bảo tồn thiên nhiên” của ĐTM. Và, như tôi nói ở trên, hai QCVN mà người làm ĐTM bắt buộc phải tuân thủ không giúp đánh giá được gì khía cạnh này.
Nên bác ngay từ đầu
Kiểm lâm VQG Cát Tiên tuần tra trên Bàu Sấu, cách nơi định làm dự án thủy điện ĐN 6&6A chỉ 12 km đường chim bay. Ảnh: QD. |
Tóm lại, báo cáo ĐTM của dự án ĐN 6&6A rất có thể được thông qua?
Cũng không dễ. Một khi chưa có các chuẩn mực cần thiết thì không thể so sánh và đánh giá mức độ tác động của dự án. Mà không đánh giá được mức độ tác động xảy ra thì cũng không thể có cơ sở để chủ đầu tư đề ra các biện pháp cần thiết, thích hợp, và khả thi để khắc phục tác động.
Như vậy chủ đầu tư sẽ phải làm lại?
Đúng thế. Làm cho đến khi nào có đủ cơ sở để khẳng định các biện pháp khắc phục tác động là thuyết phục.
Trường hợp nào dự án vẫn sẽ được thông qua?
Chỉ Thủ tướng Chính phủ mới đủ toàn quyền.
Nhưng như thế sẽ vi phạm Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 và Nghị quyết 49 của Quốc hội năm 2010?
Chỉ cần cho điều chỉnh quy hoạch, đưa vùng dự án ra khỏi vị trí vùng lõi VQG Cát Tiên, là xong. Nhưng tôi không nghĩ khả năng này xảy ra. Đây là một dự án thực sự nhạy cảm.
Vậy nếu đương chức, ông sẽ xử lý dự án này thế nào?
Tôi sẽ bác ngay từ đầu, ngay từ khi họ đề nghị làm báo cáo ĐTM vì lý do vị trí của dự án nằm trong vùng không được phép theo quy định hiện hành. Tôi không bao giờ chấp nhận một dự án vi phạm luật. Tôi từng bác những dự án vi phạm luật kiểu như thế rồi.
Cám ơn ông.
Quốc Dũng
thực hiện