> Lấy mẫu cá, mực kiểm nghiệm nhiễm độc
> Tận thấy công nghệ chế biến cá khô bẩn
> Mực, cá nục khô có chất thuốc trừ sâu
Cá nục được phơi ngay cạnh nơi bãi rác ở xã Ngư Lộc ( Hậu Lộc, Thanh Hóa). |
Ngày 10-12, ông Nguyễn Xuân Đồng- Phó Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa - cho biết: Sau khi báo Tiền Phong phản ánh những thông tin ban đầu về việc chế biến, bảo quản sản phẩm cá, mực khô có thành phần hóa chất độc hại, chi cục đã lấy 8 mẫu mực, cá khô tại các cơ sở ở huyện Tĩnh Gia.
Cụ thể: Cty TNHH Dũng Nam, ở thôn Liên Đình, xã Hải Bình (mẫu mực khô); Cơ sở của gia đình Bùi Đức Anh, thôn Liên Đình, xã Hải Bình (mẫu mực khô); Cơ sở của gia đình Phạm Văn Minh, thôn Nam Hải, xã Hải Bình (mẫu cá nục khô hấp); Cơ sở gia đình Hùng Biên, thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình (mẫu cá ốp khô tẩm); Cơ sở gia đình Nguyễn Văn Minh, thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh (cá cơm khô, cá chỉ vàng khô tẩm, cá nục khô hấp); Cơ sở gia đình Hồ Văn Sơn, cảng cá Lạch Bạng (mẫu cá nục khô cắt đầu).
Qua kết quả kiểm nghiệm các mẫu gửi phân tích tại Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Hải Phòng) và Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ (TPHCM) gửi về Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa cho thấy một số mẫu có các thành phần hóa chất độc hại vượt ngưỡng.
Cụ thể: trong một mẫu cá Ngừ tươi có kết quả 1.021,8 mg/kg hóa chất Histamine (có thể gây ngứa, tiêu chảy); hóa chất lưu huỳnh (diêm sinh) có trong một mẫu mực khô là 320 mg/kg.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá ngưỡng 20mg/kg sản phẩm.
Trong các mẫu trên không phát hiện ra chất Bifenthrin (chất có trong thuốc trừ sâu), chất Chloramphenicol (chất bảo quản, giữ tươi), chất Trichlorfon (diệt ruồi, muỗi, côn trùng).
So sánh với kết quả kiểm nghiệm độc lập về một số mẫu cá, mực khô của báo Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Đồng cho hay: Đây là kết quả phân tích của một số mẫu lấy ngẫu nhiên, trong một thời điểm. Nó không khẳng định là không có khả năng cơ sở đã sử dụng những thành phần chất Bifenthrin, chất Chloramphenicol, chất Trichlorfon trong quá trình chế biến, bảo quản.
Bởi địa chỉ cơ sở lấy mẫu khác nhau; thời điểm lấy mẫu khác nhau… “Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn các sản phẩm thủy sản nói chung, ngoài công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử phạt các cơ sở vi phạm, cần thiết phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của ngành chức năng trong lĩnh vực này từ khâu đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Chúng tôi cũng cảm ơn thông tin từ các bài phản ánh về việc chế biến, bảo quản cá, mực khô trên báo Tiền Phong. Đây là cơ sở ban đầu để chúng tôi thanh tra, kiểm tra toàn diện đợt vừa qua trong lĩnh vực này trên toàn tỉnh” - ông Đông nói.
Cũng theo ông Đồng, qua đợt kiểm tra này, ngành chức năng nhận thấy quy trình chế biến, bảo quản chưa phù hợp, mặt bằng sản xuất, hệ thống nguồn nước chưa đảm bảo; lao động tham gia sơ chế, chế biến chưa đạt yêu cầu.