Nếu không tín nhiệm, phải thay ngay

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm
Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm
TP - Tại kỳ họp lần thứ 7 vào giữa năm 2013, HĐND thành phố Hà Nội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với 19 chức danh do HĐND bầu.

> Quốc hội sẽ dành nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
> Quy trình lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cao cấp

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm , Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói rằng, ông rất tán thành chủ trương này, tuy nhiên cần phải chuẩn bị rất kỹ và khoa học.

Ông Lâm nói: Với tư cách là người đại biểu sẽ trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao để tránh tình trạng hình thức, phải đi vào thực chất.

Lấy phiếu tín nhiệm là rất đúng và hay, nhưng để làm được ở đây phải có yêu cầu từ hai phía. Thứ nhất, đối với những người được lấy phiếu thì phải coi đây là đợt kiểm tra đánh giá năng lực của mình qua sự giám sát của cộng đồng, của những người đã bầu ra mình.

Do vậy, người đó phải tự kiểm điểm lại mình một cách chân thành, cầu thị, hết sức tránh tình trạng đổ tại khách quan, cơ chế này khác. Mình đã làm được đến đâu, đã cố gắng đến đâu đều phải rõ.

Thứ hai, đối với người bỏ phiếu tín nhiệm, ngoài thông tin của chính người cung cấp thì phải có cơ quan cung cấp thông tin khách quan. Trên cơ sở đó, chúng tôi phải có đủ thông tin thì mới bỏ phiếu đúng và thực chất được. Tôi tin là nếu đủ thông tin thì mọi người đều đánh giá đúng.

+Theo ông, một quan chức đạt tỷ lệ phiếu bao nhiêu thì đủ tín nhiệm? Một cán bộ tốt có đi liền với phiếu cao không?

Tôi cho rằng, thang đo phải rõ. Nếu đưa ra 4 mức độ đánh giá là rất khó. Nhất là khi đánh giá tín nhiệm nhiều, tín nhiệm ít, tín nhiệm vừa vừa, tín nhiệm trung bình.

Tôi cho rằng, chỉ nên đưa ra 2 mức, đó là tín nhiệm và không tín nhiệm. Mức nào là không tín nhiệm cũng phải rõ. Tôi chắc chắn là hiện nay chưa đủ thông tin cho đại biểu hội đồng. Bản thân người lãnh đạo được bỏ phiếu cũng phải kiểm điểm đầy đủ, thành thật.

Cơ quan sử dụng cán bộ này cũng phải đánh giá. Kênh thứ ba là người dân đánh giá. HĐND phải thu thập được kênh này và phải giám sát bằng cả dư luận xã hội.

+Đợt bỏ phiếu tín nhiệm này liệu có dẫn đến tình trạng quan chức ngại va chạm, hoặc thu mình kiểu “tròn vo” để giữ phiếu không?

Như tôi đã nói ở trên, người được bỏ phiếu cũng phải biết tự thay đổi mình. Phải làm cho đại biểu, cử tri hiểu mình đã làm việc như thế nào, đã cố gắng như thế nào, khó khăn ở đâu.

Công khai rộng mở thông tin về các vị trí, về cá nhân đưa ra bỏ phiếu. Tôi ví dụ như ngành nội vụ mà vẫn để tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng công chức, viên chức, chưa có biện pháp khắc phục thì tức là chưa đạt tín nhiệm.

Trong ngành xây dựng, vi phạm trật tự vẫn tràn lan và nghiêm trọng như vừa qua thì cũng khó đạt tín nhiệm. Trong ngành GD&ĐT, những vi phạm trong dạy thêm, lạm thu, rồi vào công chức cũng phải có biện pháp quản lý cụ thể với sai phạm.

+Cán bộ lãnh đạo do HĐND bầu ra cũng là cán bộ của Đảng, là công chức nhà nước. Nếu căn cứ vào phiếu tín nhiệm để quyết định thay đổi nhân sự liệu có mâu thuẫn với quy định của Đảng, của pháp luật không?

Đúng là cần phải tính đến tình huống này. Và vì thế, phải khẩn trương có sự chuẩn bị để sự hội tụ, điểm chung giữa quy định của Đảng, pháp luật nhà nước và việc bỏ phiếu tín nhiệm. Đối với 19 vị trí đưa ra lấy phiếu phải công khai ngay.

Cơ quan quản lý nhân sự phải có sự chuẩn bị, nếu phải thay thì phương án ra sao. Bỏ phiếu tín nhiệm không phải là kỷ luật, nhưng nếu không đủ tín nhiệm thì phải thay đổi nhân sự ngay. Có người hợp với công việc này, có người hợp với công việc kia và nói chung là phải có văn hóa từ chức...

Minh Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG