Thu phí đường bộ từ năm 2013: Lo ngại phí chồng phí?

Thu phí đường bộ từ năm 2013: Lo ngại phí chồng phí?
TP - Từ đầu năm 2013 sẽ thu phí Bảo trì Đường bộ, khi đó chỉ những trạm thu phí của nhà nước bị loại bỏ, nhưng những trạm thu phí BOT và trạm đã bán quyền vẫn thu bình thường cho tới khi hết hợp đồng. Điều này dẫn tới hiện tượng phí chồng phí.

> Chính thức thu phí sử dụng đường bộ từ 1-1-2013
> Thu phí Bảo trì Đường bộ không nghe ý kiến dân?

Theo kế hoạch của Bộ GTVT khi thu phí Bảo trì Đường bộ, 14 trạm thu phí đường bộ của nhà nước (nộp ngân sách) sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn 30 trạm thu phí BOT, chưa kể trạm thu phí đã được bán quyền thu cho tư nhân và trạm thu phí để hồi vốn đường cao tốc (như Cầu Giẽ-Ninh Bình của Tổng Cty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam- VEC) vẫn tồn tại trên cả nước.

Như vậy, người dân đã nộp phí Bảo trì Đường bộ rồi nhưng vẫn phải trả phí khi đi qua đường có các loại trạm này.

Chiều 2-12, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Do ngân sách nhà nước eo hẹp, nên phải thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư-thu phí-chuyển giao).

Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đường thì họ phải có thời gian để hoàn vốn. Chính vì còn tồn tại những trạm thu phí này, nên khi xây dựng mức phí đã tính đến, để giảm bớt không để người dân phải chịu thiệt”.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khi được hỏi vấn đề trên cũng tán đồng quan điểm cần thu hút đầu tư dạng BOT vì nhà nước không có đủ kinh phí.

“Vì vẫn tồn tại 30 trạm thu phí BOT nên mức phí Bảo trì Đường bộ được tính toán giảm đi. Việc tồn tại hình thức BOT là bình thường, các nước trên thế giới đều làm thế”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, điều ông Hùng quan ngại chính là trong cơ cấu của hình thức BOT. “Cơ cấu của những dự án hạ tầng giao thông BOT có thu hồi vốn, trả lãi vay ngân hàng, lợi nhuận và thu phí bảo trì đoạn đường BOT.

Liệu phần thu phí bảo trì đoạn đường BOT có mâu thuẫn với phí Bảo trì Đường bộ mà nhà nước thu hay không. Việc này, bộ chức năng cần xem xét.

Chưa kể, Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương tăng mức thu phí đường bộ có lộ trình tăng (từ 1,5 đến 3,5 lần so với hiện nay) từ nay đến năm 2016. Tôi nghĩ, nhà nước nên hỗ trợ kinh phí một số dự án BOT cần thiết để giảm thu của người dân”.

Thực ra, ngay chính Nhà nước cũng đang “đau đầu” với việc làm sao thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lợi nhuận từ lĩnh vực này hiện không còn hấp dẫn.

Viễn cảnh của những con đường quốc lộ là dù người dân đã đóng Quỹ Bảo trì Đường bộ, nhưng trạm thu phí (sẽ không nhiều người hiểu trạm BOT khác trạm thu phí nhà nước-PV) lại dày đặc.

Tới đây, ngay việc mở rộng tuyến đường QL1A thành 2-4 làn đường và nâng cấp mặt đường sẽ có đầu tư BOT tham gia. Không biết, các bộ chức năng sẽ tính toán thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư (BOT) với người dân (đặc biệt những đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách).

Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định mức thu phí Bảo trì Đường bộ. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.

Với ôtô (xe dưới 9 chỗ), mức thấp nhất là 130.000 đồng/ tháng; cao nhất 1,04 triệu đồng (xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn). Việc đóng phí của ô tô sẽ chu kỳ đăng kiểm.

Với xe máy: 50.000 đồng/năm cho xe dưới 100cc; xe dung tích trên 100cc áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương. Chủ xe máy nộp thông qua UBND xã, phường, thị trấn.

Cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh giảm mức thu phí với xe rơ-moóc, sơ mi-rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo quy định bằng 70%). Ngoài ra, bổ sung việc không thu đối với xe máy điện, miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG